Nhiều cổ phiếu bluechips đã tăng giá 50-100% trong năm qua giúp cho khối tài sản của những người đứng đầu các doanh nghiệp này tăng thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013 đã khép lại với việc chỉ số VN-Index chốt ở trên mức 500 điểm. Năm qua dù tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn nhưng vẫn là một năm mang lại niềm vui cho phần lớn các doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Tổng cộng 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 44.000 tỷ đồng (~ 2,1 tỷ USD), tăng 6.800 tỷ so với năm ngoái, tương đương tăng 18%, thấp hơn mức tăng của VN-Index khi chỉ số này tăng được 22%.
Nhiều cổ phiếu bluechips đã tăng giá 50-100% trong năm qua như Hoa Sen Group (HSG), REE, Hòa Phát (HPG), Vinasun, Thủy sản Hùng Vương (HVG)… giúp cho khối tài sản của những người đứng đầu các doanh nghiệp này tăng thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất trên sàn chứng khoán và và cũng có thể coi là người giàu nhất Việt Nam khi ông Vượng là người Việt Nam duy nhất xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn.
Năm 2013 có thể là năm đánh dấu rất nhiều sự kiện của Vingroup khi đồng loạt khai trương 2 dự án bất động sản lớn tại Hà Nội là Times City và Royal City, đồng thời bán dự án Vincom Center A tại Thành phố Hồ Chí Minh với giá trị chuyển nhượng lên đến 9.800 tỷ đồng.
Lượng cổ phiếu Vingroup mà ông Vượng trực tiếp nắm giữ hiện có trị giá hơn 19.900 tỷ đồng, bằng với tổng giá trị cổ phiếu của 6 người tiếp theo (từ #2 đến #7) cộng lại!
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vẫn ở vị trí thứ 2 với xấp xỉ 6.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Năm qua là năm khá bận rộn với của bầu Đức khi triển khai dự án bất động sản ở Myanmar đồng thời tái cấu trúc lại tập đoàn, bán đi một loạt mảng kinh doanh ở trong nước.
Mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm qua thuộc về 2 ông chủ ngành thép: Ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát và ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen với mức tăng trưởng tương ứng là 95% và 117%.
Tài sản của ông Long tăng hơn 2.000 tỷ trong năm qua và ông vượt qua bà Phạm Thu Hương để vươn lên vị trí số 3 trong Top người giàu. Ông Lê Phước Vũ gương mặt mới duy nhất gia nhập Top 10 năm nay, thay thế cho chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.
Trong khi phần lớn doanh nghiệp ngành thép đang vật lộn với thua lỗ thì 2 doanh nghiệp này lại thu được những con số lợi nhuận rất ấn tượng.
Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng tiếp tục là phụ nữ giàu nhất trên sàn với khối tài sản hơn 3.400 tỷ đồng. Đứng liền sau bà Hương trên bảng xếp hạng người giàu là em gái bà Hương, Phạm Thúy Hằng – người trẻ nhất trong Top 10 (39 tuổi). Cả 2 chị em đều có mặt trong Hội đồng quản trị của Vingroup.
Tài sản của 2 đại gia ngành thép tăng gấp đôi trong năm qua
(Từ trái qua: Ông Trần Đình Long và ông Lê Phước Vũ)
Trong Top 10, có 3 người ghi nhận tài sản giảm so với năm ngoái, trong đó có 2 lãnh đạo của Masan Group là ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Hoàng Yến. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của Masan Group đã sụt giảm mạnh; một trong đó là do lợi nhuận của Techcombank giảm mạnh. Masan Group hiện nắm hơn 30% lợi ích kinh tế của Techcomank và ông Hồ Hùng Anh là chủ tịch của ngân hàng này.
Ngoài những vị trí trong Top 10, còn 3 người khác nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá trên 1.000 tỷ đồng là bà Vũ Thị Hiền-vợ ông Trần Đình Long; ông Đặng Thành Tâm-chủ tịch Kinh Bắc City (KBC) và ông Dương Ngọc Minh-Thủy sản Hùng Vương.
Năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp của Đặng Thành Tâm khi phải đối mặt với nợ nần và thua lỗ. Tuy nhiên, cổ phiếu KBC vẫn tăng tới 75% trong năm qua. Bước vào năm 2014, một trong những vấn đề đau đầu nhất với ông Tâm là tìm được nguồn tiền để trả nợ 3.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Cha con ông Đặng Văn Thành từng có một thời gian đứng trong Top 20
Năm qua, ông Đặng Văn Thành – nguyên chủ tịch Sacombank – đã nói lời chia tay với Top người giàu khi ngân hàng Sacombank đã bán đi toàn bộ số cổ phiếu mà ông Thành nắm giữ. Việc bán cổ phiếu này căn cứ theo một hợp đồng 2 bên đã kí kết từ trước.
Trong những nhân vật mới gia nhập Top người giàu, 2 nhân vật đáng chú ý nhất là ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch Nam Long Group (NLG) và ông Madhur Maini, nguyên CEO của Masan Group.
Sở hữu lượng cổ phiếu Masan trị giá hơn 550 tỷ đồng ông Madhur Maini, quốc tịch Ấn Độ, trở thành người nước ngoài giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Maini rời chức vụ CEO của Masan vào tháng 7 và được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch của Masan Consumer Holdings, công ty nắm giữ các khoản đầu tư của Masan trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Theo Cafef
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét