Nhân dịp năm mới 2014, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những đóng góp của ngành Công Thương trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Xin Bộ trưởng cho biết, ngành Công Thương đã có những giải pháp cụ thể gì trong việc đóng góp vào mục tiêu cũng như nhiệm vụ của Chính phủ đã đề ra đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chỉ thị số 02/CT-BCT triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tại các văn bản này, Bộ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Bộ yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá sát tình hình và đề xuất lên Chính phủ các biện pháp can thiệp kịp thời ổn định thị trường. Tổ Điều hành trong nước do Bộ Công Thương là Tổ trưởng thường xuyên trao đổi kịp thời, thống nhất biện pháp xử lý việc điều chỉnh các nhóm hàng thuộc diện nhà nước kiểm soát (nhóm giáo dục, dịch vụ y tế) đã có sự phối hợp đồng bộ, theo lộ trình, hạn chế mức tăng đột biến, ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Phối hợp tích cực với các bộ, ngành khác thống nhất biện pháp sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, hạn ngạch, cân đối ngoại tệ... trong điều hành xuất nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước và bình ổn thị trường (cụ thể đối với các mặt hàng như đường, gạo, muối, xăng dầu...). Lãnh đạo Bộ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân một số địa phương như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Tây Ninh, Vĩnh Phúc... về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2014.
Nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp
Ngoài ra, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại nội địa của Bộ Công Thương ngày càng đi vào chiều sâu cũng đã đóng góp tích cực trong việc bình ổn và phát triển thị trường trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ Công Thương đã từng bước triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Đối với tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91: Bộ Công Thương đã chỉ đạo xây dựng, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 5 tập đoàn kinh tế và 2 tổng công ty nhà nước gồm: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản, Tập đoàn Dệt May; Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Thuốc lá.
- Đối với tổng công ty 90, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2012- 2015; Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp giai đoạn 2012 - 2015. Đối với các tổng công ty cổ phần do Bộ Công Thương được giao làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Bộ đã chỉ đạo tái cơ cấu, thông qua những chủ trương lớn trong đề án và giao người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết những vấn đề theo thẩm quyền của Bộ quy định tại Nghị định 99/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, Điều lệ của công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định về điều lệ tổ chức hoạt động của 5 tập đoàn: Dầu khí, Hóa chất, Điện lực, Công nghiệp Than & Khoáng sản, Dệt May và ban hành theo thẩm quyền điều lệ tổ chức và hoạt động của các tổng công ty do Bộ trực tiếp quản lý.
Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo 5 tập đoàn kinh tế, 2 tổng công ty 91 tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu lại doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thông tin tuyên truyền cũng được Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận và lan tỏa trong tâm lý, nhận thức của xã hội về những mục tiêu nêu trên. Các hoạt động thông tin truyền thông được thực hiện, phổ biến rộng rãi và tổ chức phát sóng trên các phương tiện thông tin truyền thông của cả nước.
Phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thị trường khu vực và thế giới, tuy nhiên, nhìn vào bức tranh xuất khẩu năm 2013 của cả nước với 22 mặt hàng xuất khẩu vượt kim ngạch 1 tỷ USD cho thấy nỗ lực của các ngành hàng và doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Để hoạt động xuất khẩu tích cực hơn trong năm mới 2014, chúng ta cần có thêm những giải pháp cụ thể gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước hết, cũng nên điểm lại một số mặt mạnh và hạn chế của hoạt động xuất khẩu năm 2013 để từ đó làm cơ sở đề xuất thêm các giải pháp cụ thể cho năm 2014.
Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng trong năm 2013. Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng xuất khẩu tăng khá như nhân điều, hạt tiêu, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử..;. kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng khác như điện thoại di động và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm từ gỗ... đã tăng mạnh. Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất và cơ cấu hàng xuất khẩu ngày càng được mở rộng và chuyển dịch theo hướng tích cực.
Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhưng nhìn chung, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu chậm được cải thiện. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chậm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Điều này cho thấy, tăng trưởng vẫn còn theo xu hướng chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có, chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn. Tỷ trọng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp FDI lớn hơn doanh nghiệp trong nước; hàng xuất khẩu phần lớn vẫn là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Tỷ lệ nhập khẩu còn lớn về nguyên, vật liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt- may, giày dép, linh kiện điện tử... phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước sẽ khoảng 145,4 tỷ USD và nhập siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, hạ mặt bằng lãi suất tín dụng, tăng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tập trung giải quyết bài toán vốn và lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn và một số ngành hàng khác như dệt may, da giày.
Thứ hai, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh... đồng thời có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, thị trường các nước có chung đường biên giới; kiểm soát chặt chẽ hàng nhập nhẩu, phấn đấu giảm nhập siêu so với chỉ tiêu được giao. Tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đàm phán các hiệp định FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng được tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.
Thứ tư, tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, nhằm kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Việt Nam đứng trước cơ hội ký kết Hiệp định Kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Để tận dụng và biến cơ hội thành hiện thực, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần phải làm gì ngay từ bây giờ?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: TPP là hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay, tạo ra sân chơi với các nước đóng góp 40% GDP toàn cầu và chiếm 1/3 kim ngạch thương mại thế giới. Do đó, thông qua hiệp định này, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế từ TPP, theo tôi, các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp ngay từ bây giờ cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các công việc sau:
Về phía các cơ quan của Chính phủ, cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. Xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế phát triển trong khối TPP như dệt may, giày dép... cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng các yêu cầu khá cao và phức tạp về quy tắc xuất xứ. Đồng thời, cũng cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực này. Xây dựng chính sách phát triển nhằm tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua đổi mới công nghệ, tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường nâng cao năng lực cán bộ, phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nhân về quyền lợi, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia TPP. Từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội phù hợp để kịp thời xử lý các tác động bất lợi khi thực thi hiệp định này.Chủ động khai thác hỗ trợ kỹ thuật quốc tế để nâng cao năng lực thực thi cam kết.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin về hiệp định, về cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực. Khẩn trương đẩy mạnh phát triển công nghệ hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất nguyên vật liệu sản xuất ở trong nước, chuyển trọng tâm nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước khác sang các thành viên TPP. Nâng cao tay nghề và trình độ của đội ngũ lao động. Tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp các nước trong TPP nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Công Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét