Cách đây không lâu, ý tưởng đi du lịch tới rìa của vũ trụ và trở lại đã bị cho là chuyện tầm phào. Nhưng nay người ta đang bán vé đi khinh khí cầu lên độ cao 30km, nơi du khách có thể thoải mái nhìn ngắm Trái đất và các hành tinh.
Một công ty Mỹ đã đứng sau dự án táo bạo trên. Họ muốn đưa 8 du khách lên rìa vũ trụ và những người này sẽ ngồi trong một khoang chứa an toàn gắn liền với một quả khí cầu chứa đầy helium vào năm 2016.
Dù khoang chứa được thiết kế đặc biệt với không gian bên trong là môi trường tăng áp để du khách cảm thấy bình thường như khi ở trên mặt đất, họ vẫn có thể sẽ hơi choáng khi móc tiền mua vé.
Chuyến bay kéo dài hơn 8 tiếng rưỡi đồng hồ, có giá 72.000 USD mỗi ghế (hơn 1,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên du khách sẽ được nhìn ngắm đường cong của Trái đất và trải nghiệm vài khoảnh khắc không trọng lượng. Ngoài ra họ còn được thưởng thức những ly cocktail ngon lành do quán bar trên khí cầu phục vụ và chuyển xuống mặt đất những bức ảnh "tự sướng" chụp cùng các ngôi sao, trong sự ghen tị của bạn bè, nhờ mạng wifi có trên khí cầu.
Ảnh chụp Trái đất từ vệ tinh ngoài không gian (Nguồn: DM)
"Chúng tôi muốn mang tới cho du khách trải nghiệm nhìn ngắm Trái đất từ không gian trong nhiều giờ đồng hồ, được chiêm ngưỡng đường cong của Trái đất và những thứ khác" - Jane Poynter, giám đốc điều hành công ty World View Enterprises có trụ sở ở Arizona nói.
Quả khí cầu chứa 1,1 triệu m3 khí helium sẽ cất cánh từ cảng không gian của tỷ phú Richard Branson nằm ở sa mạc New Mexico.
Nó sẽ mất 2 giờ để lên độ cao 30km, nơi bầu trời trở nên tối đen. Tiếp đó khí cầu sẽ trôi lững lờ trên tầng bình lưu, cho phép do khách thưởng ngoạn hành tinh xanh của chúng ta ở dưới chân, cũng như vô số các ngôi sao ở trên đầu.
Sau màn ngắm vũ trụ, khoang chứa sẽ ngắt khỏi khí cầu và trở lại Trái đất, sử dụng cánh lượn. Tình trạng không trọng lượng tự nhiên ngoài vũ trụ thường chỉ có từ độ cao 100km trở lên, nhưng Poynter cho biết trong 20 phút hạ cánh nhanh của khoang chứa, du khách sẽ có vài giây được tận hưởng cảm giác này.
"Hãy nghĩ về chuyến đi như một trải nghiệm sang trọng siêu hạng nhất" - chồng của Poynter là Taber McCallum, người đóng vai trò giám đốc công nghệ của công ty, cho biết. Ông đã từng thiết kế các hệ thống hỗ trợ sự sống cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Cặp vợ chồng đã có 2 năm sống biệt lập cùng nhau trong một trạm vũ trụ mô phỏng nằm ở Arizona trong những năm 1990, một thí nghiệm để kiểm tra khả năng sinh sống của con người ở sao Hỏa.
Công ty hiện là một trong vài doanh nghiệp đang muốn đưa du khách bình thường lên không gian. Ngoài họ còn phải kể tới SpaceShipTwo, một con tàu vũ trụ có thể chở 6 du khách lên quỹ đạo thấp của Trái đất, do công ty Virgin Galactic thuộc sở hữu của Branson sản xuất.
"10 năm trước chuyện này chỉ là khoa học viễn tưởng" - Burt Rutan, người thiết kế SPACESHIPONE, con tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên bay vào không gian trong năm 2004 và là mẫu tàu thử nghiệm cho đội tàu vũ trụ hiện nay của Branson nói - "Giờ thì nó giống như thực tế đương nhiên phải xảy ra vậy".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét