Bất động sản thanh khoản kém, đầu tư vàng nhiều rủi ro do biến động giá khó lường nên kênh chứng khoán và gửi tiết kiệm sẽ có ưu thế thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong năm sau, theo nhận định của ông Quách Mạnh Hào.
Trao đổi trước thềm năm 2014, ông Quách Mạnh Hào - thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán MBS, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định gửi tiết kiệm và đầu tư chứng khoán vẫn là kênh tốt nhất năm 2014, trong đó mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ không dưới 15%.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế năm vừa qua và dự báo cho năm 2014?
- Năm 2013 không có gì nổi bật. Tăng trưởng GDP vẫn ở mức thấp 5,4%, cho thấy kinh tế chưa thoát đáy. Lạm phát, lãi suất tuy giảm nhưng chủ yếu do tình trạng đình đốn chứ chưa phải kiểm soát tốt, bởi sau thời kỳ tăng cao, kinh tế suy giảm thì lạm phát sẽ xuống. Không ai làm gì thì sao có lạm phát.
Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, "cục máu đông" khiến các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được tín dụng. Bằng chứng là dù lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ hơn 8,8% (số liệu của Tổng cục Thống kê cập nhật vào nửa cuối tháng 12), chưa đạt mục tiêu 12% đã đề ra.
Do vậy, chừng nào toàn bộ cấu trúc nền kinh tế chưa thay đổi, những vấn đề về nợ xấu chưa giải quyết rõ ràng thì kinh tế chưa thể coi thoát đáy. Quan điểm của tôi là hai hoặc ba năm nữa kinh tế mới phục hồi, tức năm 2014 vẫn tiếp tục khó khăn. Nếu chúng ta không có giải pháp đúng và kịp thời thì vùng đáy này sẽ còn kéo dài.
- Công việc tại công ty chứng khoán tạo cơ hội cho ông được tiếp xúc với các nhà đầu tư cá nhân và cả doanh nghiệp. Vậy ông có nhận định gì về tâm lý của những "tay chơi" trên thị trường lúc này?
- Về phía nhà đầu tư cá nhân, những người tôi gặp thời gian qua chia làm hai phe. Phía kỳ cựu thì nhìn thấy cơ hội để xuống tiền trong năm 2013 - 2014 nhằm đón đầu khi nền kinh tế hồi phục. Ngược lại, những nhà đầu tư mới thì gần như dè dặt. Thực tế cho thấy số nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trên thị trường lúc không được nhiều, phản ánh sự sàng lọc khốc liệt của nền kinh tế thời gian qua.
Đối với doanh nghiệp, năm 2013 - 2014 là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiền, lành mạnh, còn phần lớn doanh nghiệp dính nợ nần thì ai cũng lắc đầu. Điều này có nghĩa hiện nay đang phân biệt rõ nhà đầu tư có khả năng thì cơ hội rất lớn, số còn lại không có gì rất khó khăn.
Nhưng nhìn chung, cả bên có tiền và không có tiền đều thấy rằng năm 2014 là năm khó với nền kinh tế, song họ coi đây là năm tốt về chứng khoán, bởi nếu nền kinh tế hồi phục từ 2015 thì năm tới đã là một năm tốt để bỏ tiền vào kênh này. Tuy nhiên, đây chủ yếu là kỳ vọng của nhà đầu tư chứ chưa dựa trên một nền kinh tế thực.
- Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, nhà đầu tư sẽ phải làm gì, thưa ông?
- Kinh tế khó khăn là thời điểm tốt nhất cho những người tiêu dùng (ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư...) đánh giá lại hành vi của mình dựa trên sự so sánh giữa rủi ro và lợi nhuận. Nếu người chơi chưa rút ra được bài học thì họ không bao giờ nghĩ về rủi ro mà chỉ nghĩ đến lợi tức và lợi nhuận. Do vậy, đây chính là cơ hội cho những người tiêu dùng trong nền kinh tế nhìn nhận lại, cân nhắc cẩn trọng chứ không được liều lĩnh như trước.
Tuy nhiên, nếu chúng ta lại bơm tiền ra, hay nói cách khác là kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, bơm tiền rẻ sẽ làm cho hành vi liều tái phát, tức thay vì kiếm lợi cho công ty thì nhiều người lại quay sang làm cho cá nhân, dẫn tới những gì làm được trong năm 2013 trở nên vô nghĩa.
- Giữa việc gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, mua vàng, đôla Mỹ, mua nhà đất, ông cho rằng kênh đầu tư nào sẽ thích hợp nhất cho năm 2014?
- Theo tôi hai kênh tốt nhất là gửi tiết kiệm và đầu tư chứng khoán. Gửi tiết kiệm sẽ giúp bản thân có thu nhập ổn định, 7% đâu phải là tồi!. Với đầu tư chứng khoán, đương nhiên đầu tư sẽ đi liền với rủi ro nhưng nếu cân nhắc giữa hai yếu tố này trong năm tới thì tôi thấy là tương đương. Do đó, hoàn toàn có thể bỏ tiền vào tiết kiệm hoặc đầu tư.
Còn những kênh khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ, tôi cho rằng các kênh này hoặc là không có thanh khoản (bất động sản), hoặc là mức độ rủi ro quá lớn so với kỳ vọng lợi nhuận (vàng). Vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay không phải do nhà đầu tư thiếu tiền, không dám vay mà là giá cao. Người mua nhà bao giờ cũng cân nhắc việc mua một bất động sản giá rẻ hay là vay tiền giá rẻ để mua bất động sản giá cao. Chắc chắn người ta sẽ không chọn cách đi vay. Mấu chốt để giải quyết thị trường bất động sản hiện nay chính là giải quyết hàng tồn kho, và chỉ có cách giảm giá thôi.
- Theo ông, khả năng sinh lời của kênh chứng khoán trong năm tới sẽ ra sao?
- Khi tôi đã đặt kênh đầu tư chứng khoán ngang với kênh gửi tiết kiệm, nghĩa là kỳ vọng đầu tư chứng khoán phải tăng tốt hơn. Thông thường ở Việt Nam, để chọn giữa một thứ rất rủi ro với một thứ rất an toàn thì đâu đó 15% mới đáng đánh đổi. Tôi cho rằng thị trường năm tới cũng phải tăng từ 15% trở lên.
- Vậy cổ phiếu hay nhóm ngành nào sẽ có nhiều tiềm năng nhất trong năm 2014?
- Những ngành làm ăn tốt trong năm tới sẽ vẫn là những ngành cơ bản, thiết yếu như ăn uống, thực phẩm hay những ngành vượt qua giai đoạn khủng hoảng như thương mại, buôn bán… Tuy nhiên, tôi không khuyến khích nhà đầu tư chọn cổ phiếu theo ngành bởi nó quá rộng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nên sàng lọc theo từng doanh nghiệp.
Thực chất, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu phần nhiều cũng không phải vì ngành đó tốt hay không tốt mà chủ yếu dựa vào tiêu chí quá khứ. Nếu cổ phiếu đó có lịch sử tăng giảm mạnh, nhà đầu tư rất thích đổ tiền vào, bởi đặc trưng của thị trường Việt Nam vẫn là thị trường đầu cơ, nhà đầu tư liều và thích lướt những con sóng lớn. Ví dụ có nhiều người cảm thấy hối tiếc khi chọn cổ phiếu tốt nhưng mức tăng trưởng chỉ khoảng 10-20%, so với những cổ phiếu vớ vẩn nhưng tăng tới cả trăm phần trăm.
Do vậy, tôi tin rằng những phân tích dựa vào ngành là có nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trong quyết định của nhà đầu tư. Nhưng cũng đúng khi nói rằng nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu bất động sản là do kỳ vọng thị trường bất động sản tốt lên, hoặc cổ phiếu ngân hàng do ngành này có triển vọng.
- Sang năm Giáp Ngọ 2014, ông chờ đợi nhất điều gì?
- Tôi kỳ vọng nhà điều hành đừng cố kích thích một cái gì mà nên để thị trường diễn ra theo đúng quy luật. Điều quan trọng hiện nay là nền kinh tế cần tạo dựng lại niềm tin và các cá thể trong nền kinh tế nên nhận thức rõ giữa rủi ro và lợi nhuận hơn là trở thành những người liều.
Xử lý nợ xấu cũng nên làm nhành và đừng cố gắng che giấu con số thực sự, việc phân loại nợ theo Thông tư 02 cần được áp dụng rõ.
Phương Linh
Theo VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét