Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, về cơ bản đây chính là hoạt động 'bơm' tiền, song trong phạm vi kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước phê vừa phê duyệt kế hoạch phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ngay trong quý 1 này. Động thái trên được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng về khả năng giải quyết nợ xấu trong tổ chức tín dụng đồng thời qua đó thúc đẩy sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm.
Theo tiến sĩ, Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi VAMC mua nợ xấu của ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt, tính thanh khoản đã được giải quyết. Bởi, các ngân hàng có thể dùng trái phiếu đặc biệt làm vật thế chấp vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước.
“Về cơ bản đây chính là hoạt động 'bơm' tiền, song trong phạm vi kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất cho vay (bình quân 10%/năm) vẫn có sự chênh lệch khá xa so với mức huy động (4%-5%), thì khối nợ xấu của sau khi giải quyết được tính thanh khoản sẽ tạo ra khả năng sinh lời cho các ngân hàng đồng thời qua đó hy vọng sẽ góp phần giảm lãi suất tín dụng trên thị trường, tạo cơ hội tiếp cận vốn cho nền kinh tế,” ông Bình phân tích.
Ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, giá trị trái phiếu đặc biệt được phê duyệt năm nay là 80.000 tỷ đồng thì dư nợ mua giá gốc sẽ là 100.000 tỷ đồng vì còn trừ dự phòng rủi ro.
Trước đó, tính từ thời điểm hoạt động đến hết năm 2014, ông Hùng cũng chỉ ra, doanh số mua nợ của VAMC dự kiến đã đạt 125-130.000 tỷ đồng nợ gốc với giá mua 105.000 tỷ đồng.
Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm đánh giá chủ trương trên của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.
“Đây thực chất là giải pháp 'mở' cho doanh nghiệp tiếp cận vốn mặc dù họ đang có nợ quá hạn (nợ xấu). Trên thực tế tài sản của họ do ngân hàng nắm giữ và đưa vào VAMC, chỉ có điều là chưa giải quyết được ngay. Song ngân hàng có thể dùng tiền tái cấp vốn chọn lọc các doanh nghiệp còn thời cơ, còn điều kiện phát triển… cấp vốn bổ sung. Một khi, doanh nghiệp hồi phục thì ngân hàng cũng sẽ giải quyết được nợ xấu,”ông Kiêm nói.
Về một số ý kiến quan ngại những ảnh hưởng từ khối lượng dòng tiền lớn chảy vào nền kinh tế thông qua hoạt động phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC, ông Kiêm chỉ ra, việc bơm vốn tái chiết khấu này đã nằm trong khối lượng cung tiền do đó nó không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm và ông Kiêm dự đoán khả năng sẽ đạt khoảng 15%-17%.
Theo quy định, VAMC sẽ quyết định cụ thể thời hạn đối với từng trái phiếu đặc biệt phù hợp với mỗi khoản nợ xấu được mua, song tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi mua nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC sẽ phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện bán nợ khẩn trương, triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng vay và xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Do đó các chuyên gia cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ cần tiếp tục trải qua quá trình tái cấu trúc vào trọng tâm hoạt động kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng. Một mặt nợ xấu sẽ được các ngân hàng tự xử lý hoặc thu gom bởi VAMC, song những yếu tố bổ trợ cho hoạt động của VAMC hiện vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là cơ chế mua bán nợ xấu qua thị trường và sự phân định rõ quyền tài sản gắn với các khoản nợ./.
Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét