Giá USD tại ngân hàng bắt đầu tăng mạnh cùng với đà tăng trên thị trường tự do.
Giá USD tại ngân hàng bắt đầu tăng mạnh cùng với đà tăng trên thị trường tự do.
Sáng nay 14/3, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 21.345 – 21.395 VND/USD, tăng 15 đồng so với sáng qua.
ACB và EximBank cũng nâng tỷ giá thêm 20 đồng lên 21.340 – 21.410 VND/USD. Cũng tăng 20 đồng chiều mua vào và bán ra, tỷ giá tại Techcombank lên 21.340 – 21.415 VND/USD.
VietinBank tăng 25 đồng cả mua vào và bán ra, niêm yết tỷ giá ở 21.350 – 21.420 VND/USD. Tăng 10 đồng mua vào, 20 đồng bán ra, tỷ giá tại DongABank lên 21.345 – 21.420 VND/USD.
Tỷ giá tại ngân hàng sau một thời gian dài ổn định cũng bắt đầu tăng theo đà tăng của USD trên thị trường tự do. Hiện giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội là 21.680 – 21.720 VND/USD, tăng khoảng 180 đồng kể từ sau dịp nghỉ Tết.
Giá USD thị trường tự do tăng mạnh trong khoảng 1 tuần trở lại đây cùng đà tăng với giá USD trên thị trường thế giới trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi, châu Âu bắt đầu triển khai gói kích thích bơm lượng tiền kỷ lục vào nền kinh tế.
USD tăng gây sức ép giảm giá đối với vàng. Hiện giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 35,3 -35,4 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới khoảng 5,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nới rộng do đó theo giới phân tích giá USD thị trường tự do tăng một phần cũng có thể do tình trạng gom USD để nhập vàng.
Về triển vọng điều chỉnh tỷ giá của NHNN trước biến động tỷ giá hiện tại, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, tỷ giá được kỳ vọng sẽ không điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015, do:
Thứ nhất, việc làm phát được dự báo duy trì ở mức thấp kết hợp với việc Fed nhiều khả năng chưa sớm nâng lãi suất trong nửa đầu 2015 sẽ giảm bớt áp lực mất giá của VND.
Ngoài ra, khi xét về cán cân thương mại, Việt Nam chuyển sang xuất siêu trong tháng 2 kéo theo việc giảm thâm hụt thương mại. Việc giá dầu thô giảm có lẽ sẽ khiến xuất khẩu suy giảm (xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu) nhưng ngược lại do Việt Nam nhập khẩu khá nhiều xăng thành phẩm (nhập khẩu xăng thành phẩm chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch nhập khẩu) nên nhập khẩu cũng được hưởng lợi, vì vậy tác động lên cán cân thương mại được đánh giá là cân bằng.
Bên cạnh đó, với động lực chính cho tăng trưởng được kỳ vọng vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khối FDI, thâm hụt thương mại trong thời gian tới, nếu xảy ra, cũng chỉ ở mức vừa phải và khó có tác động mạnh lên tỷ giá.
Xét thêm các yếu tố khác, VCBS đánh giá nguồn cung ngoại tệ khá ổn định với vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực, đạt 1,2 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; Kiều hối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 và dự trữ ngoại hối hiện đang ở trên 35 tỷ USD, tương đương trên 12 tuần nhập khẩu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét