Phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ đang trở thành trào lưu trên TTCK, giúp không ít doanh nghiệp tăng vốn khủng và giảm được áp lực trả nợ. Nhưng với các cổ đông nhỏ lẻ, họ có thực sự được hưởng lợi?
Những DN chuyển nợ thành vốn
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) dường như rất có “duyên” với việc phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ. Mới đây, HĐQT ITA thông qua phương án phát hành hơn 119 triệu cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ. Cụ thể, gần 119,4 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành cho 4 tổ chức đã “chi viện đặc biệt” cho Công ty trong giai đoạn trước. Giá phát hành được xác định bằng thị giá bình quân của 5 phiên giao dịch trước thời điểm thực hiện cấn trừ nợ.
Trong trường hợp thị giá bình quân 5 phiên gần nhất thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP) thì giá phát hành sẽ được tính bằng mệnh giá. Trước đó, trong năm 2014, ITA đã phát hành 115,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP (tương đương 1.157 tỷ đồng) để xử lý các khoản nợ.
Cuối năm 2014 vừa qua, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ công nợ. Theo đó, QCG đăng ký phát hành trên 145 triệu cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu cho VOF PE Holding 5 Limited (VOF) và để cấn trừ công nợ cho các nhà đầu tư. Điểm đáng chú ý là số lượng cổ phiếu phát hành thêm của QCG trong đợt này lớn hơn cả số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của QCG tăng lên 2.750 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ là hình thức được nhiều DN niêm yết lựa chọn nhằm giảm gánh nặng nợ nần trong năm 2014. KBC đã phát hành 100 triệu cổ phần, với giá 10.000 đồng/CP để cấn trừ số nợ 1.000 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) cấn trừ khoản nợ 50,3 tỷ đồng với Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi trong đợt phát hành 21,5 triệu cổ phần, tương đương 215 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) giảm được 310 tỷ đồng nợ vay nhờ phát hành hơn 31 triệu cổ phiếu cho các chủ nợ…
Việc hoán đổi từ nợ thành cổ phần, trong nhiều trường hợp được xem là giải pháp “vẹn cả đôi đường” với DN và chủ nợ. DN trút được gánh nặng trả nợ, đồng thời vốn điều lệ tăng thêm tương ứng với khoản nợ được cấn trừ bằng cổ phiếu. Báo cáo tài chính của cả DN đi vay và DN cho vay theo đó sẽ “sạch” hơn khi khoản nợ vay, nợ phải thu (rất có thể là khoản nợ xấu) được xử lý. Nhưng về phía các cổ đông, họ có thực sự được hưởng lợi từ việc phát hành này?
Vốn tăng, EPS bị pha loãng
Theo lãnh đạo một CTCK, bản chất của việc phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ là DN không thu được dòng tiền mới. Đó là chưa kể, việc phát hành thêm để cấn trừ nợ thường được ấn định với giá ưu đãi cho các chủ nợ.
Do việc phát hành không thu được “tiền tươi thóc thật”, theo vị lãnh đạo trên, DN không có điều kiện đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh như việc phát hành huy động vốn thông thường. Hiệu quả kinh doanh khó nâng lên trong khi vốn điều lệ tăng lên, khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong tương lai có thể giảm.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, cổ đông có cơ sở để lo ngại việc DN niêm yết huy động tiền cổ đông để trả nợ hoặc dùng chính cổ phiếu để cấn trừ nợ. Dù rằng, DN lấy lý do rất chính đáng là “cứu” DN, nhưng việc phát hành đó sẽ khiến EPS trong năm tới, thậm chí vài năm tới luôn loanh quanh ở mức thấp. Những nhà đầu tư dài hạn ít có hy vọng về cổ tức, giá cổ phiếu vì thế khó có cơ hội phục hồi bền vững.
Một số CTCK cho biết, họ đang thực hiện tư vấn cho một số DN phát hành theo hình thức cấn trừ nợ, cho thấy phương thức này đang được nhiều DN lựa chọn nhằm giảm áp lực trả nợ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thị trường cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ.
Hoàng Anh
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét