Theo tính toán của Cơ quan thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) không ngừng sụt giảm từ năm 2012 và đến cuối năm 2014, tình trạng giảm phát không còn là "bóng ma" vô hình mà chính thức được xem như quả bom nổ chậm đe dọa sự ổn định và thịnh vượng chung của toàn khối. Ngay cả nền kinh tế ổn định vốn được coi như đầu tàu của khu vực là Đức cũng không thoát khỏi "thảm cảnh" chỉ số tiêu dùng giảm.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 9/3, mỗi tháng, ECB sẽ mua 60 tỷ euro trái phiếu của khu vực tư nhân và nhà nước để kích thích kinh tế, đưa lạm phát của Eurozone lên mức mục tiêu 2% và tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 1,5% trong năm nay và 1,9% năm 2016. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về động thái này. Song việc cơ quan tài chính lớn nhất Châu Âu tung ra gói kích thích quy mô lớn có mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế khu vực hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo các nhà phân tích, ngoài tác động của gói kích thích, đồng euro có thể giảm sâu hơn nữa vì nhiều lý do.
Thứ nhất, những yếu tố tiêu cực vẫn đang tạo áp lực lên nền kinh tế của Cựu lục địa. Dù thời gian gần đây, xuất hiện một số tín hiệu lạc quan từ các nền kinh tế được cho là mắt xích yếu của Eurozone, song đà phục hồi chậm chạp của các đầu tàu kinh tế vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính sách lãi suất của Châu Âu và Mỹ. Trong khi ECB muốn tiếp tục giữ lãi suất thấp (0,05%) trong một thời gian dài nữa ở khu vực Eurozone thì Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự định nâng lãi suất cơ bản, vốn được duy trì ở mức gần như bằng 0% trong 6 năm qua. Chính sách này của ECB và FED cũng như những bất ổn trên thế giới khiến các nhà đầu tư lại tìm đến với đồng USD.
Việc đồng euro suy yếu sẽ giúp các nhà xuất khẩu Châu Âu giành được lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ nước ngoài bởi sản phẩm của họ sẽ rẻ hơn đối với những khách hàng thanh toán bằng đồng USD. Bên cạnh đó, việc này cũng góp phần thúc đẩy lạm phát - điều ECB khao khát nhất trong thời điểm hiện nay - bởi hàng hóa ngoại nhập có thể trở nên đắt đỏ hơn khi thanh toán bằng đồng euro.
Tuy nhiên, việc đồng tiền này rẻ đi cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực theo chiều ngược lại như khiến cho những doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn bởi chi phí nhập hàng hóa sẽ tăng, nhất là với nguyên vật liệu sản xuất. Quan trọng hơn cả, euro đi xuống rõ ràng phản ánh tình trạng kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét