Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, một công ty chứng khoán gửi tin nhắn tới các nhà đầu tư với khuyến nghị không nộp tiền giao dịch vào tài khoản tiền gửi ở ngân hàng nọ. Qua Tết, khuyến nghị trên tiếp tục được thực hiện từ ngày 24/2.
Chia sẻ thông tin trên, một nhóm nhà đầu tư cho rằng, công ty chứng khoán đã lo xa và chuyển sang đối tác khác. Với ngân hàng nọ, họ đang gặp khó khăn và khách hàng ra đi.
Câu chuyện trên là ví dụ có thể tham khảo cho một trong nhiều khó khăn từ thị trường mà Ngân hàng Nhà nước sắp trải nghiệm, khi trở thành chủ sở hữu và trực tiếp tìm cách vực dậy những ngân hàng mình mua lại.
Chặn ly nước đục
Ly nước bị đục, đến mức không thể tự lọc hoặc tự lắng, mà không thể đổ đi. Người ta xử lý bằng cách rót thêm nước sạch mới vào, hoặc rót sang một ly khác lớn hơn và sạch hơn, để trước mắt là pha loãng ra.
Tái cơ cấu ngân hàng bước đầu có thể hình dung qua cách xử lý các ly nước như vậy. Nhưng đến nay, hai trường hợp Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) không theo được cách đó.
“Ly nước” VNCB đã được rót mới, nhưng vẫn đục đi. “Ly nước” GP.Bank đã có cơ hội thời gian là ba năm, nhưng vẫn không pha loãng hoặc rót mới được.
Sau khi mua lại bắt buộc VNCB với giá 0 đồng/cổ phần, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết sẽ tiếp tục làm tương tự với GP.Bank.
Chưa hết, với thông tin định hướng bước đầu từ vị lãnh đạo chuyên trách trên, nếu không tự xử lý được, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng có thể là trường hợp nối tiếp.
Theo đó, khi không thể rót thêm nước sạch mới vào, không thể pha sang ly nước khác, Ngân hàng Nhà nước phải tự đứng ra nhận về. Đến đây, quá trình tái cơ cấu VNCB và GP.Bank mới chỉ là bắt đầu. Hai ly nước đục vẫn còn đó, thử thách quá trình lọc của Ngân hàng Nhà nước.
Dù vậy, nhà điều hành trước mắt đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất: ngăn chặn tình huống “những ly nước đục” vỡ ra mà ảnh hưởng xấu đến lợi ích xã hội.
Nhưng khi nhận về, không thể xóa đi để làm lại từ đầu, Ngân hàng Nhà nước phải kế thừa trách nhiệm, khắc phục các tồn tại, lấp đầy các khoản lỗ, vực dậy các ngân hàng đó để rồi xem xét bán đi.
Cho đến nay, với công chúng, vẫn chưa thể định lượng rõ những tồn tại tại VNCB và GP.Bank để nhận diện đầy đủ khó khăn của Ngân hàng Nhà nước khi khôi phục lại. Chỉ biết rằng họ đã mất hết vốn điều lệ, việc tiếp tục kinh doanh sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, ví như tình huống khách hàng ra đi trong khuyến nghị của công ty chứng khoán nói trên…
Bước đầu, Ngân hàng Nhà nước giao Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trực tiếp quản lý điều hành VNCB. Dự kiến sắp tới, với GP.Bank có thể cũng là sự tham gia của một ngân hàng quốc doanh khác.
Bàn tay Nhà nước
Ngoài mục tiêu ưu tiên là ngăn chặn rủi ro có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích xã hội, việc mua VNCB, dự kiến sắp tới là GP.Bank, còn dẫn đến một số điểm khác: bớt đi sở hữu chéo và khỏi thoái vốn ngoài ngành tại đây.
Qua trường hợp mua VNCB, quan hệ sở hữu của cổ đông Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chấm dứt; vốn của 4 cổ đông nhà nước khác cũng không còn.
Tại GP.Bank, các thông tin tài chính và cơ cấu sở hữu hoặc thay đổi cổ đông… đã “mất tích” trong bốn năm qua. Hiện không thể tìm kiếm ở các thông tin công bố để thấy có quan hệ sở hữu của ngân hàng nào không, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có còn giữ tỷ lệ sở hữu 3,2% nữa không? Nếu có thì sắp tới dự kiến cũng nằm trong “tình huống 0 đồng”.
Cũng qua hai trường hợp này, cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu thay đổi rõ nét: bàn tay Nhà nước mở rộng hơn.
Trong nhiều năm qua, ở lĩnh vực ngân hàng, thành phần quốc doanh gắn ở 5 ngân hàng thương mại (4 thành viên đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối). Số lượng này sẽ tiếp tục tăng thêm, với VNCB và dự kiến GP.Bank, và có thể chưa dừng lại…
Số lượng sở hữu tăng lên, đã sẵn có các thành viên chiếm thị phần và ảnh hưởng lớn, trong xu hướng này, bàn tay nhà nước sẽ càng thuận lợi hơn trong quản lý, kiểm soát và vận hành thị trường.
Chưa hết, khối ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa: Vietcombank có thể sáp nhập Saigonbank, VietinBank với PGBank…
Ngược lại, khối ngân hàng thương mại cổ phần - sự tham gia của khối tư nhân - tiếp tục co gọn lại về mặt số lượng. Tốc độ giảm bớt của họ dự kiến sẽ diễn ra nhanh trong năm nay, khi một loạt thương vụ sáp nhập đã lên kế hoạch.
Mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đang đến gần, thông tin về kế hoạch sáp nhập Southern Bank với Sacombank, MDB với Maritime Bank sẽ tiếp tục được chú ý. Cùng đó, lại có thông tin khả năng NamABank với Eximbank “về một nhà”, DongA Bank và ABBank có thể cũng theo xu hướng chung…
Với những gợi mở bước đầu đó, 2015 có thể sẽ là năm đặc biệt nhất của hệ thống ngân hàng trong hai thập kỷ qua: sau sự bùng nổ số lượng thành viên, nhất là từ loạt chuyển đổi ngân hàng nông thôn lên đô thị, cơ cấu sẽ co gọn đi gần phân nửa cùng với sự mở rộng của bàn tay nhà nước.
Và như tại VNCB và GP.Bank, phần lớn cuộc tái cơ cấu mở rộng trong năm 2015 này mới chỉ là bắt đầu.
Theo Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét