Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Kiểm soát và quản lý nợ công: Không thể nóng vội

Kiểm soát và quản lý nợ công: Không thể nóng vội

Bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế




Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), năm 2014, trị giá rút vốn vay ODA ước đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch. Với các loại vốn vay ưu đãi nước ngoài khác, giá trị rút vốn ước đạt 5,350 tỷ USD, bằng 118% kế hoạch năm 2014. Cũng trong năm 2014, Chính phủ bảo lãnh cho các khoản vay trong và ngoài nước của doanh nghiệp (DN) với tổng trị giá 2,6 tỷ USD. Trong đó, bảo lãnh vay nước ngoài cho 8 chương trình, dự án đầu tư với trị giá tạm tính 2,44 tỷ USD trong các lĩnh vực điện, mua máy bay, công nghiệp khai khoáng và bảo lãnh vay trong nước cho một dự án điện với trị giá 157,06 triệu USD.




Tổng trị giá viện trợ không hoàn lại từ các nguồn phi chính phủ và song phương năm 2014 đạt 245,1 triệu USD. Trong đó, viện trợ bằng tiền cho NSNN là 41,85 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Liên hợp quốc, phi chính phủ và EC là 150 triệu USD. Các khoản viện trợ phi chính phủ đã được triển khai trong lĩnh vực: Xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường… Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển KT-XH. Đặc biệt, việc phát hành thành công 1 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế, với mức lãi suất 4,8%/năm trong năm đã giúp Chính phủ thiết lập mức lãi suất chuẩn mới trên thị trường vốn quốc tế, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận thị trường này với chi phí thấp hơn trước và đánh dấu việc lần đầu tiên thử nghiệm nghiệp vụ quản lý nợ chủ động của nước ta.




Tuy nhiên với mức tổng nợ công hiện ở mức trên 60% GDP, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại trước con số này. Bởi tỷ lệ nợ trong nước đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thâm hụt ngân sách đã tăng từ mức 1,1% GDP năm 2011 lên trên 5% trong ba năm sau đó. Nhận xét về việc quản lý và kiểm soát nợ công tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang nhìn nhận việc tăng vay nợ quốc gia như một tất yếu để thực hiện các khoản đầu tư công và điều này hoàn toàn đúng đắn. Bởi đầu tư vào nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng là cần thiết cho tương lai lâu dài của một quốc gia. Chính phủ cũng nhận thức rõ ràng, nếu không cân đối tốt việc thu - chi ngân sách, thì việc tăng vay nợ để bù đắp hụt chi sẽ tạo ra rủi ro. Tuy nhiên, nếu không từng bước điều chỉnh tỷ lệ vay nợ, rủi ro có thể sẽ tăng nhanh. Bởi nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều rủi ro khác đối với nợ công đó là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, bất ổn của thị trường tài chính… Đây sẽ là những gánh nặng cho ngân sách quốc gia, đẩy nợ công tăng lên, thậm chí vượt ngưỡng có thể chấp nhận được.




Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn




Theo nhận định của bà Victoria Kwakwa, với tỷ lệ nợ công hiện nay, Việt Nam không phải lo lắng về một cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai. Tuy nhiên, không thể lơ là trước tốc độ gia tăng nhanh chóng của nợ công. Với nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ tính riêng cho ngành năng lượng đã vào khoảng trên 50 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam cần bảo đảm có thể tiếp cận được tín dụng để đầu tư lâu dài cho nền kinh tế.




Tại nhiều quốc gia, trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh, Chính phủ thường không kiểm soát chặt chẽ những khoản vay khiến chi tiêu công tăng mạnh. Đến khi nền kinh tế suy giảm, các quốc gia này có thể rơi vào tình trạng túng quẫn do thâm hụt tài chính tăng đột biến. Khi có khó khăn về cân đối ngân sách, các chính phủ này bắt đầu thắt chặt chi tiêu và hậu quả là cắt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong khi đó, đây lại là nền tảng để tạo ra triển vọng kinh tế tăng trưởng trong dài hạn.




Để kiểm soát và quản lý nợ công, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý chặt chẽ vốn vay trong nước và nước ngoài. Mục tiêu của Bộ là bảo đảm tỷ lệ nợ trong giới hạn cho phép, tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng KT-XH quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay theo hướng rà soát lại các dự án đang triển khai, loại bỏ dự án không hiệu quả nhằm tập trung vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác. Việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại cũng sẽ được Bộ kiểm soát chặt chẽ song song với việc hoàn thiện, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn tới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á