Fitch: Các kế hoạch sáp nhập, hợp nhất tác động tích cực tới hệ thống ngân hàng Việt Nam
Các kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhằm củng cố hệ thống ngân hàng quốc gia và công bố các quy định mới về cơ cấu sở hữu theo Thông tư 36 có thể mang lại lợi ích cho ngành ngân hàng, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings nhận định.
Tuy nhiên, theo Fitch, việc thực thi có thể là một thách thức khi những vấn đề về cơ cấu trong dài hạn như chất lượng tài sản yếu, thanh khoản kém và dự phòng vốn thấp vẫn tồn tại. Việc củng cố hệ thống có thể cải thiện hiệu quả thông qua quy mô nền kinh tế tốt hơn và giảm gánh nặng giám sát.
NHNN trong những tháng gần đây đã công bố các kế hoạch thông qua các thương vụ M&A giữa các ngân hàng trong năm 2015 nhằm giảm số lượng các ngân hàng xuống còn 15 đến 17 ngân hàng vào năm 2017, từ khoảng 40 ngân hàng hiện nay. Fitch cho rằng các thương vụ hợp nhất diễn ra giữa các ngân hàng nhỏ yếu kém với các ngân hàng thương mại nhà nước lớn sẽ dẫn đầu quá trình này. Việc tiếp quản các ngân hàng yếu hơn có thể làm tăng rủi ro về hoạt động và chất lượng tài sản cho các ngân hàng thương mại nhà nước lớn hơn trong ngắn hạn. Điều đó nói lên rằng, Fitch tin tác động sẽ được kiểm soát khi những "mục tiêu tiềm năng" vẫn nhỏ nếu so với tổng tài sản của các "đối tượng theo đuổi".
Hơn nữa, các quy định mới theo Thông tư 36 (có hiệu lực từ 1/2/2015) cho phép các ngân hàng sở hữu dưới 5% cổ phần tại tối đa 2 tổ chức tín dụng khác có thể giúp giảm tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng trong hệ thống - việc đã phóng đại vốn hóa trong hệ thống ngân hàng và làm tăng lo ngại về quản trị doanh nghiệp.
Các ngân hàng sở hữu hơn 5% cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác sẽ có 1 năm (tới 1/2/2016) để thoái vốn đang nắm giữ hoặc kết hợp với các đơn vị có liên quan để tuân thủ quy định mới.
Quy định vốn tối thiểu theo Thông tư 36 vẫn không đổi, với hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở 9% không có khả năng tác động lớn tới các ngân hàng thương mại tư nhân và nhà nước được Fitch xếp hạng. Các ngân hàng thương mại được Fitch xếp hạng thông báo đến hết tháng 6/2014 có hệ số CAR trong khoảng từ 12,6% đến 14,4%.
Fitch nhận định, cải cách hệ thống ngân hàng đã có nhiều bước đi cụ thể hơn, tuy nhiên, có thể vẫn còn thách thức với Việt Nam khi quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chậm và việc chậm trễ trong thực hiện Thông tư 02 - quy định chặt chẽ hơn về phân loại nợ nhằm cải thiện tính minh bạch, chất lượng tài sản.
Việc hợp nhất, sáp nhập cũng không thể là "phương thuốc trị bách bệnh" cho những thách thức của ngành ngân hàng Việt Nam, Fitch tin rằng những rủi ro cao về chất lượng tài sản và dự phòng vốn thấp sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với ngành ngân hàng Việt Nam.
Fitch duy trì triển vọng tiêu cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Những khoản nợ quá hạn tích lũy trong thời gian tăng trưởng quá mức sẽ vẫn cần thời gian để giải quyết, ngay cả khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hỗ trợ có thể giúp nới lỏng những áp lực chất lượng tài sản, theo Fitch. Khả năng hấp thụ thua lỗ của các ngân hàng có thể thấp hơn báo cáo do nợ xấu hiện hành và lưu ý những rủi ro làm suy giảm vốn của hệ thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét