Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách châu Âu quyết định vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Mở đầu buổi họp báo sau phiên họp chính sách tháng 2, Chủ tịch Mario Draghi tuyên bố, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ định giá bằng euro từ ngày 9/3 trên thị trường thứ cấp. Ngoài ra ECB sẽ tiếp tục mua trái phiếu đảm bảo bằng tài sản và trái phiếu đảm bảo bằng euro.
Theo kế hoạch ban đầu, tổng tài sản mà ECB mua hàng tháng sẽ lên tới 60 tỷ euro, gồm cả trái phiếu của khối doanh nghiệp và chính phủ.
Nói về điều kiện mua tài sản, ông Draghi cho biết, ECB sẽ không mua những trái phiếu có lợi suất thấp hơn âm 0,2% - mức lãi suất tiền gửi hiện tại của ngân hàng trung ương. ECB sẽ chỉ mua trái phiếu được xếp hạng ở mức đầu tư.
Đề cập đến Hy Lạp, ông Draghi chấp thuận sẽ bơm thêm 500 triệu euro cho các ngân hàng Hy Lạp thông qua chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), tương đương với 68% GDP của Hy Lạp. Đây cũng là mức cho vay cao nhất hiện nay ở Eurozone. Nói cách khác, ECB gần như trở thành ngân hàng trung ương của Hy Lạp, ông Draghi nhận định.
Ngoài ra, chủ tịch ECB cho biết, ngân hàng trung ương không thể mua trái phiếu Hy Lạp trong kế hoạch QE sắp tới vì nhiều lý do. Tuy nhiên, nếu Hy Lạp cải cách kinh tế thành công, ECB sẽ sẵn sàng mua trái phiếu nước này.
Ông Draghi tự tin rằng, kế hoạch nới lỏng định lượng (QE) lần này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro về giảm phát cho khu vực đồng euro (Eurozone).
Trước đó trong thông báo về quyết sách tháng 2, Hội đồng hoạch định chính sách của ECB quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất thấp kỷ lục. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tại khu vực đồng euro vẫn là 0,05%, lãi suất tiền gửi là âm 0,2% và lãi suất cho vay thanh khoản (margin) là 0,3%.
Một điều đáng mừng là, các nhà hoạch định chính sách Eurozone có phẩn tin tưởng hơn vào triển vọng tươi sáng của kinh tế khu vực khi nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 và 2016.
Cụ thể, kinh tế Eurozone dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 (cao hơn mức dự báo hồi tháng 12/2014 là 1%) và 1,9% trong năm 2016. Đến năm 2017, con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 2,1%.
Trên thực tế, một số báo cáo kinh tế gần đây đều cho thấy dấu hiệu phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế tại Eurozone. Trong buổi họp báo, ông Draghi cũng bày tỏ sự hài lòng về đà cải thiện của kinh tế Eurozone sau khi liên minh đạt được đồng thuận về kế hoạch mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn hồi cuối tháng 1. Tuy nhiên, chủ tịch vẫn kêu gọi chính phủ các nước thành viên đẩy mạnh cải cách kinh tế.
Ngược lại, Hội đồng ECB lại tiếp tục hạ dự báo lạm phát năm 2015 xuống 0% từ mức dự báo trước đó là 0,7%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng, lạm phát sẽ tăng dần lên 1,8% vào năm 2017.
ECB đưa ra các dự báo trên dựa vào phân tích về những lợi ích từ giá dầu rẻ, euro suy yếu và các biện pháp kích thích gần đây của ngân hàng trung ương. Ông Draghi cho biết, đây có thể là biện pháp kích thích cuối cùng của ECB, đồng nghĩa với việc tình hình kinh tế Eurozone từ nay sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố khác.
Sau thông báo về quyết sách của ECB, euro tiếp tục xuống thấp nhất 11 năm so với USD, giảm 0,1% xuống 1,1072 USD vào lúc 14h03 tại Frankfurt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét