Nhiều cổ phiếu tăng giá đột biến, đoạn cuối của đợt tăng giá là khối lượng giao dịch khủng. “Cá mập” hay nói văn vẻ hơn là “đội lái” đã trở lại, với các chiêu trò tinh vi hơn trước rất nhiều.
Tại một buổi roadshow cổ phiếu sắp lên sàn, khi Ban chủ tọa nhận được câu hỏi của ĐTCK rằng, lượng cổ phiếu lưu hành sau khi doanh nghiệp niêm yết là bao nhiêu, bà chủ tịch thoáng chút bối rối và trả lời: “Chưa thể cung cấp thông tin đó cho thị trường”.
Sau câu hỏi của ĐTCK, đại diện một tổ chức đầu tư cũng đặt câu hỏi tương tự cho lãnh đạo doanh nghiệp: cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp hiện như thế nào? Một câu trả lời nửa vời được đưa ra, không đáp ứng được mong muốn về thông tin của nhà đầu tư. Những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản với bất kỳ một doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết nào, nhưng lại khó trả lời, vì sao như vậy?
“Săn mồi”
Trước khi lên sàn vài tháng, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ rất lớn, lên gấp hơn 5 lần. Không ngoài dự đoán của phóng viên ĐTCK, sau khi cổ phiếu niêm yết, kịch bản giá cổ phiếu tăng trần liên tục đã diễn ra, vào phiên giao dịch cuối cùng của đợt tăng trần thứ nhất, lượng cổ phiếu xả ra tăng đột biến, gấp vài chục lần những phiên tăng đầu tiên.
Trong số những nhà đầu tư lớn bán ra cổ phiếu, có tên một cổ đông lớn của doanh nghiệp. Chính cổ đông này vừa tham gia mua cổ phiếu doanh nghiệp phát hành thêm trong đợt tăng vốn trước khi lên sàn.
Sau phiên giao dịch khối lượng lớn đó, cổ phiếu liên tục giảm giá xuống đến mức ấn định khi chào sàn. Những nhà đầu tư nào đã “ôm” vào cổ phiếu trong đợt xả hàng trên? Cũng có thể, những nhà đầu tư này nếu kiên nhẫn sẽ không thua lỗ khi đủ niềm tin để giữ cổ phiếu và chờ một đợt “đẩy - xả” mới.
Diễn biến giá cổ phiếu và kịch bản với những tân binh trên sàn như trên không phải là cá biệt. Bất cứ nhà đầu tư nào, nếu bám sàn, đều có thể liệt kê không ít những mã chứng khoán có động thái như vậy trong thời gian qua. Một câu trả lời chung, dù không hẳn chính xác tuyệt đối cho hiện tượng tăng nóng, đó là “cá mập”, hay nói văn vẻ hơn là “đội lái” đã trở lại.
Cụm từ “làm giá” xuất hiện khá dày đặc trong giai đoạn 2009 - 2011, sau đó thưa dần. Thế nhưng, sang năm 2014, thông tin về các “đội lái” hay cổ phiếu đang được “làm giá” lại rầm rộ trên các diễn đàn, trên các trang cá nhân.
So với thời gian trước đây, các đội lái hiện nay làm giá chuyên nghiệp và tinh vi hơn rất nhiều. Để lái giá mã chứng khoán có trong thực đơn của “cá mập”, nhiều tài khoản được mở và giao dịch tại nhiều CTCK để nhà đầu tư phổ thông không nhận ra sự bất thường. Những tài khoản này đồng thời mua bán nhiều cổ phiếu khác nhau, chứ không “ngây thơ” chỉ mua bán một số ít cổ phiếu. Giá cổ phiếu cũng không được đẩy trần liên tục như trước, mà đan xen những phiên tăng, giảm để khó nhận ra sự bất thường trong giao dịch.
Không đổ bộ ồ ạt vào nhiều mã cổ phiếu như giai đoạn trước, hiện nay, các đội lái làm việc “bài bản” hơn nhiều, dựa trên chính những thông tin do doanh nghiệp cung cấp, đồng thời nhận được sự hợp tác, thỏa thuận của lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông thường, những mã lọt vào tầm ngắm của “đội lái” là những doanh nghiệp sắp lên sàn, đang có kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ, có kế hoạch mua, bán các dự án…
Không chỉ nhắm đến cổ phiếu theo đặc điểm riêng của doanh nghiệp, “cá mập” còn tính toán đến độ “nóng” của cổ phiếu theo ngành, theo từng giai đoạn. Các đội lái sẽ đẩy giá cổ phiếu lên theo hình thức “tay trái bán, tay phải mua”. Mục tiêu của họ là tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu lên cao, thu hút được nhiều người hưởng ứng “lên tàu” nhằm dễ dàng thoát hàng và thu lợi.
Nhiều chiêu thức đã được thực hiện để thu hút nhà đầu tư như tung tin ra thị trường, các diễn đàn, rỉ tai qua môi giới, qua CTCK, qua các nhóm nhà đầu tư. Trong khi đó, phòng phân tích của các CTCK cũng phân tích những mã cổ phiếu "nóng" trên thị trường… Khi thông tin chính thức được công bố thì cũng là giai đoạn “xả hàng” và những nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm cổ phiếu “nóng” có thể chịu rủi ro.
Nhờ đâu cá mập “sống khỏe”?
Xem xét một cách định lượng có thể thấy, nhiều cổ phiếu trong năm 2014 có mức tăng giá đột biến. Không phủ nhận yếu tố tích cực của thị trường nói chung, của doanh nghiệp nói riêng đã giúp giá cổ phiếu tăng, nhưng không ít nhà đầu tư cho rằng, phải có sự “nâng đỡ” của nhóm cổ đông lớn, giá cổ phiếu mới tăng nóng như vậy.
Thực tế, doanh nghiệp mới lên sàn thường mong cổ phiếu được chú ý, được lọt vào danh sách những cổ phiếu được margin, có thanh khoản cao và xa hơn là mục tiêu lọt vào rổ tính các chỉ số, được các quỹ ETF đưa vào danh mục… Có lãnh đạo, cổ đông lớn của doanh nghiệp sốt ruột khi thấy cùng ngành nghề nhưng giá cổ phiếu của công ty mình đang thấp hơn hẳn doanh nghiệp bạn, nên đã “bắt tay” với các đội lái để đẩy giá cổ phiếu lên. Trong những trường hợp này, đội lái nắm được tỷ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức, cổ đông lớn và “đạo diễn” những thông tin quan trọng về chiến lược kinh doanh, phát hành cổ phiếu tăng vốn, chuyển biến trong lợi nhuận, đầu tư dự án mới… Khi có được những cái “bắt tay” của lãnh đạo doanh nghiệp và nhận được sự hậu thuẫn về nguồn cổ phiếu từ phía cổ đông lớn, các đội lái nhàn hơn trong việc thu gom cũng như kiểm soát nguồn hàng.
Đã có những cá nhân bị cơ quan quản lý xử phạt do thao túng giá, song đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ. Từ trước đến nay, ngoại trừ CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), chưa có một tổ chức nào bị bêu tên vì việc này. Bởi vậy, với suy nghĩ, trong trường hợp bị cơ quan quản lý phát hiện và xử phạt thì cùng lắm chỉ mất vài trăm triệu đồng, nhưng nếu thực hiện “phi vụ” thành công thì mức lợi nhuận thu về lớn hơn rất nhiều lần nên vẫn có nhiều đội lái được hình thành.
Với nhiều nhà đầu tư, tâm lý “thà một phút huy hoàng” còn phổ biến nên họ dễ dàng bị thuyết phục bỏ vốn vào cổ phiếu được làm giá, được “phím” tin độc…
“Thị trường giao dịch sôi động từ đầu năm đến nay, thông tin kinh tế vĩ mô tích cực là những điểm thuận lợi để cho các nhà đầu cơ, các đội lái thao túng giá”, một nhà môi giới nói.
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét