Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Nhận định thị trường ngày 11/12: Rủi ro vẫn cao

Nhận định thị trường ngày 11/12: Rủi ro vẫn cao


Xu thế tăng trung hạn của thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực sau phiên 9/12. Các hoạt động bắt đáy không nên thực hiện quá sớm vì rủi ro T+3 hiện vẫn cao.


Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường ngày 11/12 của một số công ty chứng khoán.


Phiên tăng điểm chưa thể nói lên điều gì


CTCK BIDV (BSC)


Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo ngày 9/12, thị trường nhiều khả năng sẽ giằng co mạnh trong khu vực 550 - 560 trong phiên 10/12 và kịch bản đó đã xảy ra. Một khi lực cầu bắt đáy trở lại với nhóm cổ phiếu dầu khí, thị trường chung sẽ có nhiều cơ hội phục hồi trở lại.


Sau phiên 9/12, chúng tôi đánh giá của các cổ phiếu dầu khí đã về mức rất hấp dẫn, kích thích dòng tiền bắt đáy quay trở lại nhóm này. Điều đó giúp nhà đầu tư tự tin hơn trong việc tham gia vào thị trường trong phiên 10/12. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn lớn, chủ yếu đến từ việc bán giải chấp khiến thị trường giằng co như chúng tôi nhận định. Điều tích cực là thị trường chung đã có những nỗ lực phục hồi vào cuối phiên, đóng cửa giá xanh khi giữ giá đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch.


Trong giai đoạn thị trường đang biến động mạnh như hiện nay, không dễ để nói chính xác đây đã là đáy của thị trường hay chưa. Sau phiên giảm mạnh, việc hồi giá như 10/12 là điều bình thường. Trong thời gian qua, đã có nhiều lần thị trường hồi phục kỹ thuật thế này, tuy nhiên chừng nào đợt phục hồi đó chưa đủ mạnh để đảo chiều xu hướng chính - hiện là xu hướng downtrend - thì nó vẫn có thể thất bại. Do đó, một phiên tăng điểm như 10/12 chưa thể nói lên điều gì.


Nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng, tiếp tục dừng mua trong bối cảnh biến động trên thị trường đang khá lớn. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm hạn chế mua đuổi giá cao trong phiên hồi giá như 10/12. Lưu ý chung là tỷ trọng cổ phiếu vẫn nên duy trì ở mức thấp để tránh áp lực giảm giá ngắn hạn.


Vẫn nên duy trì sự thận trọng cao


CTCK FPT (FPTS)


Sau phiên mất điểm mạnh ngày 9/12 thì đà giảm đã có dấu hiệu chững lại trong ngày giao dịch 10/12. Cùng với đó, diễn biến chung cũng đã xuất hiện những điểm sáng mang tính chất hỗ trợ tâm lý.


Cụ thể, số cổ phiếu tăng giá được cải thiện mạnh theo sự luân chuyển của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản. Ngoài ra, lực cầu bắt đáy chủ động hơn giúp hấp thụ phần lớn lượng cung hàng tại các mức giá thấp, một số cổ phiếu thuộc họ dầu khí vì thế đã lấy lại được sắc xanh hiếm có như PVD, PVC, PVS…


Khối ngoại tiếp tục mua ròng tại một số mã vốn hóa lớn cũng góp phần giảm bớt sự tiêu cực về điểm số tại một số thời điểm trong phiên. Có thể thấy, những tác động xấu từ sự sụt giảm của giá dầu đã phần nào được phản ánh qua nhịp giảm nhanh và mạnh vừa qua, tâm lý nhà đầu tư mặc dù vẫn bi quan, nhưng đã có một bộ phận bắt đầu quan tâm hơn đến giá khi mà nhiều cổ phiếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ biến động của thị trường chung đã về vùng giá hấp dẫn.


Nhìn chung, mức tăng trở lại của các chỉ số trong phiên 10/12 sẽ tạo hiệu ứng bình ổn đối với tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, do tâm lý chung vẫn chưa thể sớm thoát khỏi trạng thái bi quan, cũng như khả năng kéo dài ảnh hưởng xấu từ thông tin giá dầu, thì thị trường chung vẫn khó dự đoán với rủi ro của áp lực bán tăng cường khi giá cổ phiếu phục hồi.


Chúng tôi vẫn đánh giá nguy cơ của vòng xoáy giải chấp sẽ là yếu tố khiến cho các kịch bản tạo đáy ngắn hạn trở nên thiếu bền vững.


Theo đó, trong bối cảnh hiện tại thì nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng cao, các danh mục lướt sóng nên chờ phản ứng tích cực hơn nữa của thị trường và khối ngoại, ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao để nhằm hạn chế rủi ro nếu thị trường tiếp tục lao dốc.


Áp lực bán tháo tạm chấm dứt


CTCK MB (MBS)


Áp lực bán tháo tạm chấm dứt, cầu bắt đáy gia tăng đã khiến thị trường đảo chiều tăng trở lại về cuối phiên giao dịch 10/12. Trong nửa đầu phiên sáng, áp lực bán tháo vẫn tiếp đà diễn ra mạnh tập trung tại nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS…) khiến nhóm cổ phiếu này đã có lúc giảm về giá sàn kéo chỉ số chung giảm mạnh, VN-Index có lúc giảm hơn 10 điểm. Tuy nhiên, mức độ bán phiên 10/12 có tín hiệu yếu dần và sự phân hóa rõ nét khi nhóm cổ phiếu cơ bản tốt hồi phục tăng giá khá sớm như CVT, REE, PPC, SSI, PLC, HVG, TNG…khiến tâm lý NĐT tích cực hơn. Trong đó, áp lực cung giá thấp toàn thị trường cũng có tín hiệu cạn dần sau phiên bán tháo trước đó, lực cầu bắt đáy nhóm dầu khí có tín hiệu tăng mạnh hơn về giữa phiến đã khiến giao dịch toàn thị trường diến biến tích cực hơn và sôi động trở lại.


Ngoài GAS vẫn tiếp tục giảm nhẹ, còn các cổ phiếu dầu khí khác như PVD, PVS, PVC, PXS… đều có tín hiệu hồi phục tăng giá khá tốt và lực cầu tham gia tại các vùng giá thấp khá tích cực. Áp lực bán tháo của NĐT trong nước lên nhóm dầu khi giảm đi rõ rệt. Về phía NĐTNN, phiên 10/12 tiếp tục bán ròng 80 tỷ đồng tập trung vào các mã như HAG, GAS, KDC, VCB…Trong đó ở chiều mua, họ mua ròng trở lại khá mạnh PVD là một yếu tố tích cực đổi với cổ phiếu này trong ngắn hạn.


Rủi ro T+3 hiện vẫn cao


CTCK Bảo Việt (BVSC)


Thị trường trải qua diễn biến hồi phục trong phiên 10/12. Áp lực bán giảm bớt tại nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt tại GAS và PVD đã giúp tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định hơn, tạo điều kiện để đà tăng điểm diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại.


Trên sàn HNX, các cổ phiếu chứng khoán giữ được sắc xanh kể từ đầu phiên và duy trì được đà tăng cho đến hết phiên giao dịch. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình trong phiên 10/12, trên 100 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE.


Có một sự trái chiều rõ nét trong diễn biến giữa các cổ phiếu liên quan đến dầu khí khi ngành dịch vụ dầu khí có mức tăng tích cực nhất (+3,85%) trong khi ngành sản xuất và khai thác dầu khí lại giảm điểm mạnh nhất (-1,96%).


Sau phiên lao dốc mạnh 9/12, sự hồi phục trở lại của cả hai chỉ số không phải là điều quá bất ngờ đối với nhà đầu tư vì hiện tượng này đã xuất hiện nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đà hồi phục trong phiên 10/12 là tương đối mạnh, biên độ tăng có thể nằm ngoài kỳ vọng tại một số cổ phiếu.


Ngoài nhóm dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá dầu thế giới sụt giảm thì đa phần các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng xét trên bình diện chung sẽ được hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu đầu vào giảm. Đây cũng có thể là lý do chính giúp tâm lý nhà đầu tư sớm bình tâm trở lại, từ đó giảm thiểu các hành động bán tháo trên thị trường.


Mặc dù vậy, xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, xu thế tăng trung hạn của thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực sau phiên 9/12. Do vậy, nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ nguyên tắc đầu tư: cắt giảm rủi ro cho danh mục, tranh thủ các phiên VN-Index bật tăng để bán ra giảm bớt tỷ trọng. Các hoạt động bắt đáy không nên thực hiện quá sớm vì rủi ro T+3 hiện vẫn cao.


Vẫn nên hạn chế giao dịch


CTCK Maritime Bank (MSBS)


Việc hồi phục mạnh của thị trường trong phiên chiều ngày 10/12 khiến VN-Index tăng mạnh từ mốc 544,8 lên 557,19 điểm, cho thấy đã xuất hiện một lực cầu rất mạnh hấp thụ lượng cổ phiếu giá rẻ. Đồng thời, khẳng định vùng 545-550 điểm là vùng chững của thị trường.


Với diễn biến ngày 10/12, chúng tôi cho rằng, VN-Index đã kết thúc quá trình điều chỉnh giảm điểm mạnh, thời gian tới thị trường có thể diễn biến theo xu hướng đi ngang tích lũy. Dự báo ngày 11/12, VN-Index sẽ giằng co trong phiên sáng và tiếp tục duy trì đà tăng điểm. Tuy đà giảm mạnh của thị trường đã chững lại, nhưng vẫn cần có thời gian để cân bằng sau một quá trình giảm sâu nên chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giao dịch trong giai đoạn này để giảm thiểu rủi ro.


Không khuyến nghị việc vội vàng “bắt dao”


CTCK Maybank KimEng (MBKE)


Sau 2 ngày giảm “không phanh”, thị trường bước vào phiên 10/12 với ngổn ngang lo lắng của NĐT. Cả 2 sàn mở cửa giảm nhẹ và đà giảm mở rộng rất nhanh sau đó. Bước ngoặt xuất hiện ở 30 phút cuối buổi sáng khi bên mua đột ngột gom hàng, đưa thị trường tăng trở lại quanh mức tham chiếu.


Buổi chiều bắt đầu với sự suy giảm trở lại tương đối, nhưng lực cầu một lần nữa xuất hiện mạnh mẽ và đẩy thị trường tăng để đóng cửa phiên tại mức giá cao nhất ngày.


Do áp lực bán tháo giảm đáng kể, thanh khoản quay lại các mức “bình thường” giai đoạn trước. HOSE ghi nhận 111,6 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị 1.922 tỷ đồng, trong khi HNX có 50,8 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị đạt 693,6 tỷ đồng.


Nhóm dầu khí vẫn là tâm điểm của mọi sự chú ý. Chính lực cầu bắt đáy các cổ phiếu dầu khí là “ngòi nổ” đầu tiên giúp thị trường hồi phục sau đó. Khá nhiều các cổ phiếu dầu khí trong phiên trước vẫn “nằm sàn” và gần như không có lựa mua, đã tăng lại trong 10/12, điển hình như: PVD (+3,8%), PVS (+1,8%), PXS (+3,7%),…Còn quá sớm để nói rằng mọi việc “đã ổn” với nhóm các công ty dầu khí, dù vậy việc tăng trở lại 10/12 có tác động cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư.


Điểm trừ cần quan tâm nhất 10/12 thuộc về khối ngoại. Sau vài phiên giao dịch “cân bằng”, khối này đã đẩy mạnh hơn việc bán ròng trong 10/12.


Thị trường đã tạm cân bằng hơn và điều này cần được ghi nhận. Dù vậy, đứng trên góc độ kỹ thuật, xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn không phải là tăng và sự thận trọng tiếp tục là điều cần thiết. Dù việc hồi phục có thể tiếp tục trong một vài phiên tới, việc vội vàng “bắt dao” không được chúng tôi khuyến khích. Tỷ trọng cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn nên duy trì ở mức cân bằng với tiền mặt.



Khó có chỗ cho sự hứng khởi


CTCK Đâu tư Việt Nam (IVS)


Các cổ phiếu dầu khí đã hồi phục lại sớm hơn nhiều so với dự báo cho dù áp lực bán mạnh xuất hiện ngay từ đầu và đó là cơ sở để cầu mua gia tăng giúp thị trường hồi phục lại một cách ngoạn mục. Không nhiều người có thể tin được rằng thị trường lại tăng trở lại vào phiên này sau những gì đã xảy ra 9/12 và đặc biệt khi nhóm dầu khí chưa thực sự chạm đến ngưỡng hỗ trợ mạnh.


Qua phiên giao dịch này, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều mã như HVG, SSI, DRC, DXG... đã hồi phục lại toàn bộ so với những gì đã mất.


Phiên giao dịch ngày 11/12 sẽ khó có chỗ cho sự hứng khởi, bởi lực bán sẽ gia tăng khi cổ phiếu nào đó tăng giá quá mạnh. Vì thế có thể sẽ chỉ là một phiên tăng điểm nhẹ và chậm rãi nhưng đầy chắc chắn của thị trường.


Còn với những cổ phiếu dầu khí dù đã tăng trở lại, hoặc ít ra cũng đã co kéo lại nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Nếu xét với độ dài hơn từ 10 phiên tới thì chưa chắc đã giữ được ngưỡng này và có thể sẽ còn sụt giảm thêm. Tuy nhiên nó sẽ không rơi kiểu tự do nữa nên mức độ ảnh hưởng đến tâm lý NĐT hay đến chỉ số sẽ không quá lớn như những ngày trước. NĐT có thời gian tĩnh tâm và vì thế là cơ hội cho những cổ phiếu cơ bản trong những ngày còn lại của tháng 12.


Theo Tinnhanhchungkhoan





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á