Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Tăng trưởng tín dụng năm 2015 cần dựa trên cân đối nhiều yếu tố

Tăng trưởng tín dụng năm 2015 cần dựa trên cân đối nhiều yếu tố


Một số Ngân hàng thương mại (NHTM) cho rằng, khả năng hấp thụ tín dụng đang hồi phục trở lại, thậm chí một số NH phải “kiềm chế” tốc độ tăng này.


TTTD không còn theo kiểu “bốc thuốc”


Một trong những mục tiêu định hướng được NHNN đưa ra trong năm 2015 là tăng trưởng tín dụng (TTTD) ở mức 13 -15%. Nhìn lại năm 2014, mục tiêu TTTD là 12-14%, cả hệ thống đã phải rất nỗ lực để đạt được mức TTTD trên 13% - đúng như mục tiêu NHNN đưa ra đầu năm.Với bối cảnh nền kinh tế còn hiều khó khăn, phải chăng chỉ tiêu TTTD năm 2015 cao?


Theo một chuyên gia kinh tế, để nói rằng mục tiêu TTTD năm 2015 đã hợp lý chưa, cần nhìn vào nền kinh tế và diễn biến TTTD trong năm vừa qua. Nửa đầu các năm 2013 và 2014 tín dụng thường tăng khá thấp, đã có thời điểm chúng ta đã có nghi ngại về khả năng TTTD khó về đích. Chẳng hạn, so với cuối năm 2012, TTTD đến tháng 6/2013, tăng 3,31%.


Đến tháng 6/2014 TTTD tăng 3,52% so với cuối năm 2013… Thế nhưng, với nhiều giải pháp đồng bộ của NHNN, sự nỗ lực của các NHTM, năm 2013, TTTD đã đạt 12%, vượt chỉ tiêu đề ra, năm 2014 đạt mức trên 13%. Chính vì vậy, mục tiêu TTTD năm 2015 được xem là khá hợp lý.



Khả năng hấp thụ tín dụng của DN đang phục hồi trở lại


Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu TTTD năm 2015 dựa trên cân đối tất cả các chính sách vĩ mô, trên cơ sở nghiên cứu và dự báo để đưa ra chứ không phải “bốc thuốc”. Trên cơ sở mục tiêu chung của cả hệ thống NHNN cũng cấp hạn mức TTTD cho từng TCTD. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN nên bỏ việc cấp hạn mức này. Người đứng đầu ngành NH cho rằng, ở thời điểm này bỏ hạn mức hay giữ hạn mức TTTD cũng được.


“Ví dụ, thực tiễn trong năm 2014 việc đưa ra hạn mức TTTD về cơ bản không ảnh hưởng gì đến các NH, nhưng NHNN muốn tạo thói quen mới trong hoạt động của hệ thống NH là TTTD ở mức hợp lý” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích.


Do đó, việc NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD là nhằm đưa tín dụng vào nền nếp, tránh tình trạng các NH đua nhau tăng trưởng nóng, gây tác hại lớn về sau như đã từng xảy ra. Về phía mình một số NHTM cho rằng, khả năng hấp thụ tín dụng đang hồi phục trở lại, thậm chí một số NH phải “kiềm chế” tốc độ tăng này.


Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến ngày 24/12/2014 dư nợ tín dụng của VietinBank tăng 15,2% với con số tuyệt đối là 530 nghìn tỷ đồng. “Chúng tôi đang giữ mức này cho phù hợp và không muốn tín dụng tăng cao quá” – ông Thắng chia sẻ.


Dư địa tăng tín dụng còn nhiều, nhưng…


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TBNH, giám đốc một chi nhánh của Agribank ở miền Bắc cho rằng, bao giờ dịp cuối năm thì nhu cầu tín dụng tăng cao do nhu cầu thanh toán, nhu cầu sản xuất, mua sắm cuối năm tăng, nhưng về cơ bản khó khăn của DN vẫn chưa thể khắc phục trong năm 2015.


Tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, nhất là thị trường bất động sản, để góp phần vào TTTD. Khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu đầu tư tăng trở lại, đặc biệt là thị trường nhà ở, nơi hấp thụ khá nhiều vốn cả từ phía DN đầu tư và người mua nhà.


Cũng có ý kiến cho rằng, để DN hấp thụ được nguồn vốn và mạnh dạn vay vốn NH đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì ít nhất NH phải giữ được mặt bằng lãi suất cho vay thương mại như hiện nay. Vấn đề này đòi hỏi ngành NH phải nỗ lực ngay từ đầu năm.


Về nguyên tắc, thường khi mặt bằng lãi suất thấp, nhu cầu vay vốn của DN và người dân tăng lên, tín dụng bơm ra nền kinh tế nhiều hơn, kích thích đầu tư toàn xã hội tăng… sẽ lại kéo theo lãi suất tăng lên. Do đó, vấn đề là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ phải tiếp tục chặt chẽ, nhuần nhuyễn để làm sao hài hòa giữa việc bơm tiền ra nền kinh tế nhưng cũng phải kiểm soát được lạm phát thì mới giữ được lãi suất ổn định.


Đồng tình với mục tiêu TTTD khoảng 15% trong năm 2015, TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng là DN mong muốn giữ được mức lãi suất ổn định và thấp để họ có thể vay vốn trung và dài hạn ổn định sản xuất.


Dư địa để cho vay các DNNVV hiện vẫn rất lớn, nhất là những DN muốn vay vốn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, xét điều kiện hiện nay ở Việt Nam khi mà mức lãi suất cho vay ra ở mức 5%/năm thì NHTM không đáp ứng được, vì lãi suất của NHTM là theo thị trường.


“Để giúp DN đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động, nâng sức cạnh tranh với các nước, tôi đề nghị có chính sách cụ thể như ngân sách dành bao nhiêu để hỗ trợ thêm lãi suất cho họ để ổn định chi phí tài chính trong thời gian dài, giúp DN đổi mới máy móc thiết bị” – ông Ngân đề xuất. Ông phân tích, bài toán này giúp nâng cao chất lượng tín dụng và số lượng tín dụng. Và hiện dư địa tín dụng còn rất rộng. Muốn đẩy được tín dụng thì phải giải quyết bài toán tổng cầu, vì tổng cầu rất yếu.


“Đưa đòn bẩy tăng dư nợ tín dụng cho đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao lên là một cách” – ông Ngân nói và cho rằng, đây là dạng đầu tư nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, vì DN phục hồi nâng cao sản xuất kinh doanh thì sau đó sẽ thu được ngân sách. Dĩ nhiên hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh có đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tránh máy móc giá rẻ, chất lượng thấp.


Ngoài ra, để tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm thì Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ cho DN như vấn đề bảo lãnh tín dụng, vì hiện chúng ta có quỹ DNNVV chỉ vài nghìn tỷ đồng và quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV nhưng cũng rất nhỏ, nên cần có giải pháp hỗ trợ tích cực hơn.









TS. Lê Thành Trung – Phó Tổng giám đốc HDBank


Không thể kỳ vọng lãi suất giảm sâu


Đúng là lạm phát giảm NH có cơ hội giảm lãi suất. Nhưng chúng ta phải phân tích vì sao lạm phát năm 2014 lại giảm mạnh như vậy. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Chúng ta thấy rằng vừa qua giá dầu giảm mạnh đột biến. Tôi chắc không ai nghĩ mức giảm nhiều như vậy. Mà giá dầu được coi là mặt hàng chiến lược và tác động làm cho tất cả mặt hàng khác giảm theo.


Rõ ràng, giá dầu là yếu tố rất lớn đến chỉ số CPI cũng như lạm phát của năm 2014. Nhưng diễn biến của giá dầu trong năm 2015 rất khó dự đoán. Trong khi đó điều hành lãi suất của NHNN căn cứ nhiều yếu tố khác chứ không chỉ căn cứ lạm phát thấp mà phải căn cứ vào thực trạng cả nền kinh tế.


Vì lẽ đó, nếu nói dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới thì theo tôi căn cứ vào tình hình thực tế biến động giá dầu, tổng cầu nền kinh tế. Và dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ là chỉ số đo tổng cầu. Nếu chỉ số này không tăng đột biến có thể tính tới cắt giảm lãi suất để tăng tổng cầu.


Tuy nhiên, không thể kỳ vọng giảm lãi suất sâu hơn nữa. Tôi cho rằng, mức lãi suất hiện tại tương đối hợp lý. Bởi nếu giảm lãi suất nhanh có thể kích thích việc sử dụng vốn thúc đẩy TTTD, nhưng nếu không kiểm soát được sẽ đẩy lạm phát nhanh chóng quay trở lại. Thực tế này đã từng xảy ra cách đây nhiều năm.


Hiện nay có một thực tế, chúng ta hay “nối” giảm lãi suất huy động với lãi suất cho vay. Nhưng thực ra trong bình diện lớn, việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vấn đề khác như chi phí quản lý, huy động, rồi các chi phí khác. Theo lộ trình cả hệ thống NH đang tiếp tục tái cấu trúc nên tôi nghĩ rằng, lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều chi phí vận hành của NH.


Đơn cử, quy mô các NH Việt Nam cơ bản là nhỏ, có những NH vốn điều lệ chỉ 3.000 hay 5.000 tỷ đồng… So với khu vực chứ chưa nói đến thế giới, rõ ràng quy mô NH Việt Nam rất nhỏ. Mà quy mô càng nhỏ chi phí vận hành càng lớn. Đơn giản bởi các NH vẫn phải thực hiện đầy đủ các bộ quy trình vận hành, các chi nhánh, phòng giao dịch, đội ngũ nhân sự điều hành… như thế chi phí chắc chắn cao kéo theo lãi suất cho vay cũng phải tương xứng để bù đắp.


Tôi hy vọng với lộ trình Thống đốc đặt ra trong năm 2015, hệ thống NH tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc với mục tiêu ít về số lượng nhưng to về quy mô từng NH. Khi đó chi phí giảm đi, và lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Có như vậy giảm lãi suất mới thực sự bền vững, qua đó hỗ trợ DN phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy TTTD.


TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT DongABank


TTTD của hệ thống NH ở mức 13 – 15% là phù hợp


Lãi suất huy động hiện nay ngắn hạn ở mức 5,5%/năm và lãi suất dài hạn cao hơn. Trong thời gian tới theo định hướng của NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Nếu lạm phát giảm tiếp thì lãi suất huy động cân nhắc điều chỉnh giảm. Nhưng thực tế, lạm phát của Việt Nam vẫn cao hơn so với thế giới, còn nếu loại bỏ giá dầu thì chỉ số này không phải quá thấp để có thể điều chỉnh lãi suất.


Theo mục tiêu năm 2015, lạm phát ở mức 5%, đồng thời để kích thích tăng trưởng kinh tế thì với mức lãi suất huy động 5,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn theo tôi là phù hợp và không nên giảm mà chỉ có thể giữ nguyên hoặc thậm chí tăng một chút để đảm bảo hoạt động NH hiệu quả hơn. Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, đúng là nếu đẩy lãi suất cho vay lên chút làm tăng chi phí DN, nhưng do tình hình kinh tế chung nguy cơ lạm phát tăng trở lại khá cao thì không thể hạ lãi suất xuống thấp được.


Thực tế, hiện các DN cũng không còn thắc mắc chuyện lãi suất nhiều nữa. Còn về phía các NH đang nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, NHNN. Đó là chưa kể sang năm, chắc chắn thị trường hấp thụ mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn năm 2014 vì nhiều khoản vốn huy động lãi suất cao từ năm 2014 đến năm 2015 sẽ đáo hạn.


Đây là cơ sở để các NH sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp cho vay khách hàng với lãi suất tốt hơn. Qua đó vừa hỗ trợ DN tiếp cận được vốn rẻ, vừa thúc đẩy TTTD cho các NH. Tôi nghĩ mức TTTD của hệ thống NH đặt ra trong năm 2015 ở mức 13 – 15% là khả thi.



Theo Thời báo Ngân hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á