Ngày 18/12, chứng khoán bật tăng trở lại đánh thức cơn mê tháo chạy của nhà đầu tư trong chuỗi ngày dài giảm điểm, đặc biệt là 3 phiên liên tiếp gần nhất có dấu hiệu hoảng hốt bán tháo.
Cổ phiếu GAS, PVD, GNT, PVS đã mất trên 35% thị giá. Một loạt cổ phiếu khác như MPC, VLF, HAI, VHG… đã mất 20% thị giá, cá biệt, một số cổ phiếu giảm đến 70% giá trị trong cơn giảm giá kéo dài vừa qua.
Báo cáo ngày 18/12/2014 của CTCK MBS đánh giá, TTCK Việt Nam đã giảm khoảng 20% kể từ vùng đỉnh 644 điểm. Qua theo dõi thị trường nhiều năm, công ty này cho rằng, cứ sau mỗi đợt giảm mạnh từ 15% trở lên, thị trường thường hồi phục được ít nhất 6-8%.
Cũng theo MBS, với áp lực bán mạnh trong 2 phiên trước phiên phục hồi, lượng cung hàng cho giải chấp gần như đã diễn ra xong, do đó áp lực cung sẽ giảm dần trong các phiên tới. Cùng với đó, khả năng phục hồi trên các TTCK lớn có thể sẽ hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Từ mức kỳ vọng của năm 600 điểm, VN-Index rơi mạnh về gần 520 điểm, sát với vùng đáy trong sự kiện biển Đông hồi tháng 5 (508 điểm). Hai kịch bản mà MBS đưa ra là, VN-Index về mốc 510 rồi bật lên, hoặc VN-Index sẽ phục hồi ngay từ phiên này.
Trên trường quốc tế, cuộc chiến giá dầu, bắt nguồn từ căng thẳng chính trị leo thang, được dự báo sẽ kết thúc khi các căng thẳng giảm bớt trên bàn đàm phán. Trong nước, UBCK ra thông điệp trấn an khiến tâm lý nhà đầu tư vững vàng trở lại.
Theo UBCK, nhà đầu tư cần bình tĩnh trong bối cảnh nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, các DN niêm yết kinh doanh tốt dần lên, lãi suất và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục giảm, về dài hạn sẽ giúp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận hoạt động của DN. UBCK cho biết, một số tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư lớn vẫn tích cực mua vào và nhiều tổ chức nước ngoài có đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam.
Cơ quan này đề nghị nhà đầu tư bình tĩnh, thận trọng, tránh bị lợi dụng, đưa ra các quyết định đầu tư ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của chính mình và yêu cầu các Sở GDCK tăng cường công tác giám sát các giao dịch bất thường, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường.
Đà giảm điểm đã được chặn lại bằng một phiên tăng điểm khá mạnh ngày 18/12/2014 (VN-Index tăng gần 2%), nhưng TTCK có đủ sức tăng tiếp hay không, là câu hỏi không dễ trả lời lúc này. Có rất nhiều yếu tố tác động đến TTCK, nhưng trong nỗ lực của ngành chứng khoán, điều mong mỏi nhất của nhà đầu tư là sau thông điệp trấn an, UBCK, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, các CTCK cần có sự phân tích, mổ xẻ rõ nét ảnh hưởng của chính sách thắt chặt dòng tín dụng vào chứng khoán, theo kế hoạch sẽ áp dụng từ 1/2/2015 tới.
Nếu khối CTCK có đủ sức gọi vốn để chủ động thu xếp được dòng tiền vay cần thiết với TTCK, thì việc áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN không có gì phải bàn. Trường hợp ngược lại, nhà quản lý nên có quan điểm kiến nghị thời điểm áp dụng văn bản này hợp lý hơn, để nhà đầu tư bớt sốc, còn khối CTCK cũng như các ngân hàng cấp tín dụng cho chứng khoán, có thêm thời gian để thu xếp tài chính.
Sở dĩ nỗi lo margin trên TTCK bao trùm là bởi con số 17.000 tỷ đồng vốn cho nhà đầu tư vay mà các CTCK báo cáo với UBCK, tính đến tháng 10 vừa qua, là khoản tiền cho nhà đầu tư vay từ nguồn vốn chủ sở hữu của CTCK và vốn CTCK đứng ra vay ngân hàng để cho nhà đầu tư vay. Còn nhiều cách chảy khác của dòng tín dụng vào chứng khoán giữa ngân hàng và chính các ông chủ ngân hàng, hoặc giữa ngân hàng với các công ty con, với nhà đầu tư lớn trên TTCK, thì chưa có thống kê nào, của UBCK hay của NHNN chỉ rõ.
Khoảng mờ này cần được làm sáng tỏ, sẽ trực tiếp làm giảm đi nỗi lo áp lực giải chấp, áp lực xả hàng đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Khi nỗi “lo hàng sắp đổ ập ra bán” vơi đi, nhà đầu tư đại chúng mới có thể bình tĩnh nhìn nhận những giá trị tích cực của nền kinh tế, của các DN niêm yết, để có thể vững tâm nắm giữ cổ phiếu hay giao dịch dựa trên những giá trị nội tại này.
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét