Được khởi động chính thức từ tháng 3/2013 tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA) đã qua 8 vòng đàm phán với nỗ lực đáng ghi nhận của cả hai bên nhằm đạt được lợi ích chung cho các lĩnh vực đàm phán.
Trong cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán tại Nga cuối tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng-Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu Andrei A. Slepnhev-Trưởng đoàn đàm phán phía Liên minh Hải quan đã trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, đầu tư và pháp lý-thể chế.
Hai bên đã tìm được tiếng nói chung về các lĩnh hợp hợp tác thương mại, đầu tư đối với một số mặt hàng mà hai bên có tiềm năng như thủy sản, giày dép với Việt Nam và sữa chế biến, cá hộp và lúa mì với Nga.
Ước tính, khi VCUFTA được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%.
Đối với toàn bộ Liên minh, khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào đây sẽ được miễn thuế và hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn do các nước thuộc Liên minh không tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp này và hài hòa được các quy định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan.
Danh mục hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và các thành viên Liên minh Hải quan mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên.
Dự kiến, VCUFTA sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do, cho phép đến năm 2020, thương mại giữa ba nước của Liên minh Hải quan và Việt Nam sẽ vượt mức 10 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan đến việc Việt Nam tiến tới ký kết một số FTA khác, vào chiều 10/12 tại Busan, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Dự kiến, cả VKFTA và VCUFTA được ký kết vào đầu năm 2015, sẽ nâng số FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác lên con số 10.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các vòng đàm phán các FTA còn lại để tiến tới kết thúc như: FTA với Liên minh châu Âu; Khối mậu dịch tự do (EFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động đẩy mạnh đàm phán tiến tới sớm kết thúc các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Trong đó nhiều khả năng FTA Việt Nam-EU sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)Manuel Barroso đã thống nhất trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tới EU và một số nước châu Âu hồi tháng 10/2014.
Cũng liên quan tới các vấn đề này, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết các vòng đàm phán về TPP đang được các quốc gia, trong đó có Việt Nam, triển khai hết sức tích cực để có thể kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.
Tại lễ ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Nhìn tổng quan với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, rất căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn.
Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên nhóm G-20. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh có thể xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ. Khi đó Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường các nước ASEAN và mở rộng ra cả các nước EU, Hoa Kỳ... với các cơ chế ưu đãi theo các Hiệp định FTA".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét