Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Bộ ngành, địa phương sẽ rốt ráo 'soi' doanh nghiệp nhà nước

Bộ ngành, địa phương sẽ rốt ráo 'soi' doanh nghiệp nhà nước


Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và cả những sai phạm, yếu kém trong thực hiện chiến lược và kế hoạch của các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải báo cáo định kỳ lên các bộ chủ quản và địa phương liên quan.



Đó là nội dung đáng chú ý trong Nghị định 115/2014 của Chính phủ, quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước, vừa được Thủ tướng ký ban hành.




Theo đó, Chính phủ quy định chế độ kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.




Cụ thể, từ 20/1/2015, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp thuộc Bộ, UBND cấp tỉnh.




Hội đồng thành viên, chủ tịch của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ.




Nội dung kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp gồm: Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; ngành, nghề kinh doanh trong chiến lược và kế hoạch; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch 5 năm và hằng năm; tiến độ và mức độ thực hiện các giải pháp nêu trong chiến lược, kế hoạch bao gồm cả biện pháp tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch; những sai phạm, yếu kém trong thực hiện chiến lược và kế hoạch; kết quả thực hiện chiến lược và kế hoạch; những hạn chế, nguyên nhân của việc không thực hiện hoặc thực hiện không tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.




Bên cạnh đó cũng phải kiểm tra trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện chiến lược và kế hoạch (bao gồm trách nhiệm của cơ quan thực hiện chiến lược, kế hoạch và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan).




Nghị định cũng quy định nhiều hình thức kiểm tra. Trong đó, kiểm tra thông qua báo cáo được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.




Ngoài ra, sẽ kiểm tra thông qua làm việc với doanh nghiệp được kiểm tra. Định kỳ hằng năm ít nhất 1 lần, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra một số doanh nghiệp về việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh được giao.




Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra mời đại diện doanh nghiệp được kiểm tra làm việc tại trụ sở cơ quan mình hoặc cử đại diện của cơ quan mình đến làm việc tại doanh nghiệp được kiểm tra.




Ngay sau khi kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra phải lập báo cáo về kết quả kiểm tra. Báo cáo phải nêu rõ kết quả đạt được và những sai phạm, yếu kém trong thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ được giao; kết luận xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền việc xử lý, khắc phục những sai trái, yếu kém trong thực hiện, cũng như việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ chiến lược, kế hoạch không phù hợp.




Báo cáo kết quả kiểm tra được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ được giao của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.




Nghị định cũng quy định chế độ giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á