Những rủi ro tiềm ẩn của nợ công luôn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới trong suốt một thời gian dài. Vấn đề được đưa ra là, liệu nợ công có tương đồng với tăng trưởng của nền kinh tế?
Ví dụ, năm 2013, tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản là 224% - cao nhất thế giới, nhưng Nhật Bản không có trở ngại trong việc thanh toán nợ do người dân trong nước là người nắm giữ hầu hết các khoản nợ của quốc gia. Điều này làm giảm những mối lo ngại về biến động tỷ giá tiền tệ hay những thay đổi trên thị trường vốn thế giới có thể gây khó khăn cho Nhật Bản trong việc đảo nợ.
Indonesia và Philippines, 2 quốc gia láng giềng của Việt Nam, đã giảm tỷ lệ nợ công/GDP trong những năm gần đây. Tuy nhiên, gánh nặng nợ công giảm có những tác động trái chiều đến 2 quốc gia này. Tỷ lệ nợ công/GDP của Philippines giảm từ 75% trong khoảng một thập kỷ trước đây xuống còn 49% năm 2013. Chính phủ ưu tiên việc giảm nợ công bằng cách tăng thuế và chống tham nhũng trong các khoản chi.
Nhờ đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã nâng mức xếp hạng cho các khoản nợ dài hạn của Philippines lên mức BBB trong tháng 5/2014. Fitch’s Ratings cũng đã đưa mức xếp hạng tín nhiệm cho quốc gia này ở mức đầu tư vào khoảng 1 năm trước.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Indonesia cũng trong xu hướng giảm, giúp Chính phủ có thêm nhiều dư địa để thúc đẩy chính sách tài khóa. Dù vậy, mức tăng trưởng GDP (6%) của quốc gia này được cho là không bền vững, do khối lượng nhập khẩu đã tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào nhiều loại hàng hóa có giá cả biến động cao. Năng lực sản xuất hầu như không phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Trở ngại chính của việc thúc đẩy sản xuất là sự phát triển cơ sở hạ tầng chậm, mà một trong những lý do cơ bản là việc thiếu hụt nguồn kinh phí cấp cho các dự án công trình công cộng. Vì vậy, Indonesia cần phải cân nhắc tới việc tăng nợ công chính phủ để cấp vốn cho các dự án này để quốc gia này phát triển và hưng thịnh hơn.
Nợ công của Việt Nam khá ổn định, ở mức 55% GDP từ năm 2010, nhưng tỷ lệ này dự kiến tăng lên mức 60,3% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, không có nhiều lý do để lo lắng nợ công ở mức này.
Cơ cấu kỳ hạn bảng cân đối kế toán của Chính phủ có thể là nguyên nhân dẫn tới sự lo ngại. Chính phủ vay nợ ngắn hạn chủ yếu thông qua việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 - 3 năm và cho vay dài hạn đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, năm 2015 và 2016 là hai năm có khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn, do đó có thể đưa đến một số rủi ro đảo nợ.
Trong năm nay, Bộ Tài chính đã điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ 2 lần, một lần vào tháng 8 và một lần vào tháng 11. Theo đó, tổng khối lượng trái phiếu phát hành tăng 52.000 tỷ đồng (2,44 tỷ USD), tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 10 - 15 năm và giảm bớt khối lượng phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn.
Thêm vào đó, Chính phủ đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên thị trường trái phiếu quốc tế, kéo dài kỳ đáo hạn trung bình các khoản nợ của Việt Nam và giảm bớt rủi ro đảo nợ.
Hiện nay, Việt Nam cũng có được lợi thế là hầu hết các khoản nợ (ngoại trừ các khoản tài trợ ODA) là bằng đồng nội tệ và được các ngân hàng trong nước nắm giữ. Điều này đặc biệt có lợi vì các khoản vay bằng đồng nội tệ sẽ giúp Chính phủ giảm tối đa rủi ro ngoại hối.
Ít có khả năng nhà đầu tư trong nước thoái vốn khỏi các khoản đầu tư do những biến động của nền kinh tế toàn cầu hay những sự kiện địa chính trị như những nhà đầu tư quốc tế. Trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ in tiền để thanh toán các khoản nợ nội tệ, mặc dù chính sách này sẽ khiến lạm phát tăng cao.
Dự báo gánh nặng nợ công của Việt Nam sẽ giảm trong 5 năm tới nhờ tăng trưởng GDP, gia tăng cơ hội nâng xếp hạng tín dụng cho Việt Nam. Điều này sẽ thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, hỗ trợ thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế chung.
Theo Báo Đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét