Theo đánh giá của các chuyên gia, trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng 5,5%/năm hiện nay vẫn khá an toàn khi lãi suất thực dương so với lạm phát.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, các ngân hàng đã cảm nhận được sức nóng cạnh tranh trong việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 27/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn VND tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư. Trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm, điều này cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.
Các ngân hàng cho hay, tiền tiết kiệm vẫn dồi dào kể cả khi trần lãi suất về 5,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và kỳ hạn trên 1 năm cũng chỉ còn mức cao nhất 7,5 - 8%/năm. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, huy động vốn của Ngân hàng vẫn đạt mức trên 10% và xu hướng của khách hàng dần chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài để được hưởng mức lãi suất cao hơn. Nam A Bank duy trì mức cao nhất 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Tương tự, lãnh đạo HDBank cũng cho biết, nguồn tiền tiết kiệm vào Ngân hàng vẫn dồi dào, nên mặt bằng lãi suất của HDBank đã được điều chỉnh về gần với các ngân hàng thương mại nhà nước. Mức cao nhất chỉ còn 7,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ và 7,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đại diện Techcombank cho rằng, dù lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm dần trong thời gian qua, song nguồn tiền nhàn rỗi vào Ngân hàng vẫn không giảm, thậm chí còn tăng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, xu hướng của khách hàng hiện nay là lựa chọn gửi kỳ hạn dài nhiều hơn, bởi lãi suất cao hơn so với ngắn ngày khoảng 1 - 1,5%/năm.
“Lãi suất giảm cũng phần nào tác động đến tâm lý của khách hàng gửi tiền. Nhưng trước tình hình hiện nay, tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn”, lãnh đạo Techcombank nói.
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cũng nhận định, nếu lạm phát Việt Nam tiếp tục ở mức thấp sẽ tạo dư địa cắt giảm lãi suất để lãi suất tiền gửi vẫn duy trì lãi suất thực dương.
Sở dĩ tiền tiết kiệm chưa chảy sang vàng, chứng khoán, ngoại tệ hay bất động sản, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, là do vàng đang xoay quanh mốc 35 triệu đồng/lượng, nhưng giá vẫn lình xình và dự đoán còn giảm thêm. Mua vàng lúc này cũng không biết gửi vào đâu, do ngân hàng không nhận tiết kiệm vàng, thậm chí còn “chạc” phí. Trong khi đó, tỷ giá đã được NHNN cam kết không điều chỉnh quá 1 - 2%/năm. Còn chứng khoán, bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, không phù hợp với việc lướt sóng lúc này.
Hiện tại, chỉ có phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp đang dần ấm lên thu hút khách hàng mua nhà. Trong đó, có cả những người đang rút tiết kiệm cũng như vay thêm để mua bất động sản. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, đối với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp được lựa chọn nhiều trong bối cảnh thị trường hiện nay, bởi thị trường bất động sản mới chỉ “tốt lỏi” chứ chưa thể ấm lên toàn diện.
Trong khi đó, theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, gửi tiền tiết kiệm lúc này, lãi suất vẫn thực dương, mặc dù không lớn.
“Với điều kiện hiện nay, trong ngắn hạn, tôi sẽ gửi tiền tiết kiệm, nhưng sẽ luôn có ý đồ mua bất động sản trong một thời điểm thuận lợi nào đó”, TS. Dương nói.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, với mức lãi suất 5,5%/năm hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp an toàn, đó là chưa kể lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 1 năm đang ở mức phổ biến 7%/năm. Đối với vàng, theo ông Lịch, khả năng vẫn trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, nhưng trong trung hạn, khó có thể nói vàng không tăng trở lại. Riêng với tỷ giá, NHNN có thể tiếp tục kiểm soát, nhưng không có nghĩa là “neo” tỷ giá. Vì nếu “neo” tỷ giá quá lâu sẽ không khuyến khích được xuất khẩu, nhất là đối với xuất khẩu hàng nông sản. Do đó, TS. Lịch cho rằng, biên độ tỷ giá cần nới lên 3%.
Thực tế cho thấy, dù lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm và các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục, song với mức lãi suất tiền gửi khá thấp hiện nay cùng với sự ấm lên của phân khúc bất động sản có mức giá phù hợp khiến cho việc huy động vốn của ngân hàng cũng có áp lực nhất định, nhất là với những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, bên cạnh việc áp mức lãi suất trần, các nhà băng này còn cộng thêm biên độ ưu tiên cho một số nhóm khách hàng để thu hút dòng tiền nhàn rỗi thực sự và ổn định.
Cụ thể, tại VietCapital Bank, ngoài mức lãi suất cao nhất 7,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 18 - 60 tháng hiện nay còn cộng thêm biên độ tối đa 0,5% lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên. Tương tự, VietA Bank ngoài mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng trở lên còn cộng thêm biên độ tối đa 0,2% cho khách hàng 45 tuổi trở lên.
Theo Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét