Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Vietinbank đổi nợ lấy cổ phần, liệu có khôn ngoan?

Vietinbank đổi nợ lấy cổ phần, liệu có khôn ngoan?


Nhiều chuyên gia nhận định, đã đến lúc phải công nhận thiệt hại đó để “chôn” Vinalines của quá khứ và “phục sinh” bằng một Vinalines mới...


Cho rằng, chuyển nợ xấu thành vốn chủ sở hữu của một DN đang phá sản và không có khả năng phục hồi chỉ là cách xử lý nợ kỹ thuật. Giải pháp này lại được đưa ra trong bối cảnh ma trận sở hữu chéo (trong đó quan trọng nhất là sở hữu chéo doanh nghiệp nhà nước - ngân hàng) chưa có cách hóa giải. Như vậy có được xem là mâu thuẫn? Và đâu mới là giải pháp tối ưu với Vinalines?


Chúng tôi xin tiếp tục đăng tải bài viết thứ hai của TS. Nguyễn Trí Hiếu để làm rõ vấn đề này.


Cơ hội cho sở hữu chéo, lợi ích nhóm phát triển


Trước mắt, theo hướng thuận, đây vẫn là sở hữu một chiều, tức là Vietinbank đầu tư vốn và mua cổ phiếu của công ty con của Vinalines. Nó chỉ được coi là sở hữu chéo nếu công ty con đó quay trở lại mua cổ phiếu của Vietinbank hay dùng một công ty khác để mua cổ phiếu của Vietinbank thì đấy chính thực mới là sở hữu chéo.


Việc sở hữu của một ngân hàng với một doanh nghiệp nào đó thì chưa được xem là sở hữu chéo nếu thực hiện theo luật định và có những lý do chính đáng để làm chuyện đó. Công ty con không ảnh hưởng tới quản trị của ngân hàng qua một hình thức đầu tư nào đó, bằng cách này hay cách khác không thao túng được ngân hàng thì không được xem là sở hữu chéo.


Thực tế cho thấy nếu mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp được thắt chặt thì nó có lợi cho ngân hàng, vì nếu đi sâu vào quản trị của doanh nghiệp ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để kiểm soát doanh nghiệp và bảo toàn đồng vốn đầu tư của mình.


Nhưng nếu sử dụng giải pháp này một cách phổ biến để xử lý nợ xấu thì e rằng chủ trương diệt sở hữu chéo sẽ gặp khó khăn vì khi cho phép ngân hàng có các chân rết đi vào sản xuất kinh doanh thì sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho sở hữu chéo và sự lạm dụng lợi ích nhóm phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc những quyết định tiêu trừ sở hữu chéo sau này sẽ khó thành công.


Vậy, đứng từ góc độ Vietinbank giải pháp này có được xem là giải pháp tối ưu? Một lần nữa khẳng định, nếu dùng cách này để xử lý nợ xấu với điều kiện những công ty Vietinbank đầu tư có khả năng tài chính tốt, có tiềm năng phục hồi và được khoanh lại phát triển độc lập, không bị ảnh hưởng, tác động bởi những quyết định của công ty mẹ thì đó là giải pháp chấp nhận được.


Tuy nhiên, nếu đây chỉ là cách giải quyết hình thức, nghĩa là không còn cách nào trả nợ thì trước mắt biến nó thành cổ phiếu gán nợ rồi sau này tính sau với tư duy đó thì không nên chuyển đổi thành cổ phần của Vinalines.


Với giả thiết 1, thì những công ty con phải trình được phương án kinh doanh, đồng thời nên công khai trước công chúng để dư luận thấy được sức phục hồi của nó thế nào. Vietinbank là ngân hàng của nhà nước, dùng tiền thuế của người dân để góp vốn cổ phần, do đó người dân có quyền được biết trên cơ sở nào Vietinbank đưa ra quyết định đầu tư như vậy.


Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi giá xăng dầu đang lao dốc khủng khiếp thế này thì khả năng phục hồi là rất khó khăn. Trước đây, giá dầu cao, VN trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa cho nhiều nước thì cảng biển trở thành nhân tố phát triển rất tốt. Như chúng ta cũng đã chứng kiến sau khủng hoảng năm 2008, rất nhiều đối tác của Trung Đông đến thăm dò, nghiên cứu tại VN đã rút lại việc đầu tư phát triển cảng biển tại VN.


Do đó, điểm chính yếu là các công ty con phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng phục hồi thì khi đó việc đầu tư của Vietinbank mới được cho là hợp lý.


5 năm nữa không nhìn thấy ánh sáng


Như vậy, nếu phương án như trên trở thành tiền lệ cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì sẽ thế nào? Hệ lụy với nền kinh tế ra sao?


Nếu giải pháp này trở thành hữu hiệu thì ở chừng mực nào đó việc chuyển nợ thành cổ phần giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Rất nhiều nợ xấu là nợ xấu của những doanh nghiệp có vốn nhà nước. Giải quyết nợ xấu cách này không phải là cách tối ưu nhất nhưng lại hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn nhà nước


Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể tạo tiền đề cho các sở hữu chéo phát triển. Nếu các ngân hàng đi quá sâu vào đầu tư kinh doanh, không còn hoạt động đúng chức năng của NHTM thì đây chính là tác dụng ngược trong chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.


Khi đó, các NHTM sẽ đi ngược lại với chức năng truyền thống của các ngân hàng thương mại, và đi ngược lại với công ước Basel II mà chúng ta đang muốn áp dụng ở VN nhằm loại bỏ sở hữu chéo, loại bỏ lợi ích nhóm, tạo an toàn của NH, đưa NH vào đúng quỹ đạo chức năng của NHTM. Do đó, nếu chuyện này lan tỏa, tạo thành đại trà thì nó đi ngược lại với công ước này.


Nếu vậy thì giải pháp tối ưu với Vinalines là gì? Với tất cả những cân nhắc trên, cách phù hợp nhất để giải quyết câu chuyện Vinalines là Vinalines phải được xử lý rốt ráo, công khai nợ xấu. có lẽ phải dùng đến giải pháp là dùng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, số tiền còn lại sẽ được tha nợ.


Việc này chắc chắn sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các NH, nhưng thực tế thiệt hại này là xảy ra rồi có điều nó chưa được công nhận trên sổ sách (và chưa được dự phòng đúng mức) và đang được treo trên sổ sách. Nay đã đến lúc phải công nhận thiệt hại đó để “chôn” Vinalines của quá khứ và “phục sinh” bằng một Vinalines mới, cũng như mở một chương mới cho ngân hàng Việt Nam..


Với một Vinalines mới thì nợ xấu không còn nữa, nhà nước sẽ cấp vốn lại cho Vinalines, về phía các ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt, sử dụng dự phòng rủi ro và tìm cách thu hồi lại được đồng nào hay đồng ấy rôìđóng lại trang sử cũ cho Vinalines và mở ra trang sử mới. Nếu cứ dùng dằng như hiện nay thì đến 5 năm nữa cũng không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.


Theo Báo Đất Việt




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á