Khép lại năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một năm với nhiều dấu ấn có tác động mạnh tới chỉ số chứng khoán gồm cả thăng hoa và hoảng loạn.
Diễn biến TTCK trong năm 2013 và 2014
Nếu như trong năm 2013 đỉnh của chỉ số VN-Index chưa tới mức 550 điểm thì năm 2014 con số đó đã lên hơn 640 điểm, đồng thời thanh khoản cũng có sự khác biệt rõ rệt.
Những cơn "bão" lớn trong năm 2014 đã khiến thị trường trồi sụt mạnh nhưng vẫn không đánh gục được sự thăng hoa của VN-Index so với diễn biến hầu như đi ngang của năm 2013.
Tháng 5 đen tối
Từ đầu năm 2014, thị trường chứng khoán đang trên đà hồi phục nhờ sự ổn định của nền kinh tế, cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã tăng mạnh. Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang” đầu tháng 5 với sự kiện biển Đông khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thông tin này được đề cập với tốc độ dày đặc trên các mặt báo, chỉ số chứng khoán VN-Index đã rơi tự do tới gần 33 điểm trong ngày 08/05, tức giảm mạnh nhất trong 13 năm qua với 5.87%.
Nhà đầu tư hoảng loạn tháo chạy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải lên tiếng trấn an, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh để tránh bị lợi dụng bởi lúc này các quỹ đầu tư lớn và khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn tích cực mua vào.
Đây có lẽ là lịch sử đen tối nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam khi bị tác động cực mạnh từ bên ngoài.
Lãnh đạo nhà băng rơi vào vòng lao lý - lịch sử không lặp lại
Nếu như tháng 8/2012 thị trường chứng khoán bị chấn động mạnh bởi thông tin bắt bầu Kiên thì gần như tròn 2 năm sau đó, thêm một ông chủ ngân hàng cũng rơi vào vòng lao lý nhưng thị trường vẫn giữ được “lửa”.
Thông tin ông Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) - bị bắt được phát đi vào cuối ngày 29/07 khiến khá nhiều người e sợ kịch bản lặp lại vào phiên hôm sau. Tuy nhiên thị trường chứng khoán chỉ giảm 0.49%, tức 2.91 điểm vào phiên 30/07 và hầu như tâm lý nhà đầu tư không bị lấn át bởi thông tin tiêu cực này.
2014 cũng là năm vụ bầu Kiên và những cựu lãnh đạo ngân hàng Á Châu (ACB) được đưa ra xét xử và sau phiên phúc thẩm kéo dài 10 ngày vào đầu tháng 12 thì Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị y án 30 năm tù như phiên sơ thẩm hồi tháng 5.
Nhiều chiêu thức phát hành thêm
So với năm 2013, thị trường chứng khoán đã có những bước chuyển biến rõ rệt về cả chỉ số và thanh khoản theo chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, từ đây cũng rộ thêm nhiều chiêu thức huy động vốn từ các doanh nghiệp như làm đẹp báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh đột biến, tạo hiện tượng cổ đông nội bộ đồng loạt gom cổ phiếu, lãnh đạo đăng đàn “tung” ra những kế hoạch hay dự án đẹp như mơ... để “thổi” giá và thanh khoản cổ phiếu trên sàn cho cho mục đích “gom tiền”.
Bên cạnh đó, cũng có một trào lưu phát hành thêm cổ phiếu nhằm mục đích để cấn trừ nợ bởi trong một thời gian dài bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng phần vì thiếu vốn, phần vì nợ đang chất cao như núi điển hình như KBC, ITA, SHN, HQC, QCG, HT1…
Ồ ạt IPO
Theo đề án của Chính phủ, trong hai năm 2014-2015 sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) 432 doanh nghiệp bởi thế mà năm 2014 ghi nhận một làn sóng IPO hàng loạt. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm đã cổ phần hóa được 75 doanh nghiệp.
Trong đó, thị trường đặc biệt quan tâm tới những “ông lớn” đầu ngành như Vietnam Airlines, Vinatex, Đạm Cà Mau, Mobifone… và dự kiến năm 2015 thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều hàng “khủng” hơn.
Bên cạnh đó, làn sóng đấu giá cổ phần cũng được các doanh nghiệp thực hiện đồng loạt theo đề án thoái vốn ngoài ngành. Tại một nhóm doanh nghiệp tiềm năng và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện những “ông lớn” thâu tóm từ đây.
Đối lập bứt phá và lụi tàn
2014 cũng là năm ghi nhận nhiều cổ phiếu có những biến động khác lạ sau kỳ kinh tế suy thoái kéo dài. Trong đó có những doanh nghiệp trường vốn đã tận dụng được thời cơ để thâu tóm doanh nghiệp yếu sức hơn nhưng có triển vọng phát triển. Chính điều này đã khiến giá cổ phiếu tăng đột biến như SRC, VHG, CMX, VCS, APC…
Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp hoạt động ngày càng bết bát hơn và nguy cơ sắp rơi vào thảm cảnh bị hủy niêm yết như PVL, PXT, PVR, PTL…
Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua hiện tượng bứt phá của nhóm cổ phiếu vừa niêm yết hay thuộc diện thoái vốn của SCIC như GTN, QBS, MWG hay DQC…
Thông tư 36 và thị trường chứng khoán
Gần về cuối năm, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Trong đó, quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (trước đó là 20% tính cả trái phiếu). Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Mặc dù những con số trên không có ý nghĩa siết chặt, mang tính định hướng nhưng ngay sau khi Thông tư 36 xuất hiện, thị trường chứng khoán đã chao đảo với những dấu hiệu kém tích cực.
Giá dầu và sức ép lên cổ phiếu dầu khí
Giá dầu thế giới lao dốc trong một thời gian dài khiến thị trường chứng khoán thế giới bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong một nhận định trên trang CNBC, thời gian tới triển vọng kinh tế Việt Nam tới khá tươi sáng sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tuy nhiên, yếu tố là giá dầu giảm có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, nhóm cổ phiếu họ dầu khí sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.
Sau sự kiện biển Đông, đây là một yếu tố tác động mạnh lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Có thể nói, xu hướng tăng thị trường chứng khoán năm 2014 được dẫn dắt bởi cổ phiếu dầu khí thì cũng “kết thúc” bởi chính nhóm cổ phiếu này. VN-Index bắt đầu lao dốc từ mức đỉnh trong năm tại 645 điểm khi giá dầu thế giới phát tín hiệu sụt giảm. Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước như PVD, GAS hay PVS đã xuống mức thấp nhất trong 1 năm do ảnh hưởng bởi thông tin này. Hiện thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiện kết thúc xu hướng giảm trong những ngày cận kề kết thúc năm 2014.
Theo Vietstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét