Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2014, Việt Nam nhập siêu 26 tỷ USD từ Trung Quốc (xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 39,5 tỷ USD).
Nếu duy trì ở mức này, hết năm 2014, mức nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD (ước tính của Tổng cục Hải quan). Tức là tăng hơn 3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013 và là mức cao nhất so với các năm trở lại đây.
Đáng lưu ý, mức thâm hụt thương mại ngày càng lớn này chủ yếu nằm ở nhóm ngành, lĩnh vực nguyên vật liệu và thiết bị của Trung Quốc. 7 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD đều thuộc nhóm hàng này như: Xăng dầu các loại, vải các loại, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Bà Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam nhưng lại là thị trường nhập khẩu đứng đầu của Việt Nam. “Nhập siêu của Việt Nam không phải từ khu vực có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn để có thể thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại mà ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam”, bà Ngọc nói.
Trả lời cho câu hỏi “tại sao Việt Nam lại thâm hụt với Trung Quốc nhiều vậy?”, bà Ngọc cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ thương mại theo chiều dọc (Bắc – Nam) chủ yếu xuất khẩu thô, nông sản nhiệt đới còn nhập khẩu chủ công nghệ, thiết bị máy móc cho sản xuất công nghiệp đặc biệt là nguyên liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như da giày, dệt may, điện tử…
Còn các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines lại xuất siêu sang Trung Quốc là do quan hệ thương mại có tính chất theo chiều ngang, cùng nhập và xuất các mặt hàng tương tự chủ yếu là mặt hàng công nghiệp.
Phân tích về chính sách giúp các nước thặng dư thương mại với Trung Quốc, bà Ngọc cho hay, với Singapore, chiến lược công nghiệp hóa là định hướng xuất khẩu nhưng với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế để tăng cường xuất khẩu, tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu sử dụng vốn, kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao lọc dầu, đóng tàu, mặt hàng điện tử...
Còn Thái Lan dùng chính sách nhập khẩu 2 "gọng kìm", tức là một mặt tự do trao đổi hàng hóa nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu nhưng một mặt hạn chế hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước, đặc biệt là hàng hóa xa xỉ.
Như vậy, các nước thặng dư thương mại với Trung Quốc đều có sự điều chỉnh chính sách để tăng tỷ lệ nhập khẩu công nghệ máy móc và giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, chủ động phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, thay thế nhập khẩu bằng các biện pháp ưu tiên, kết hợp linh hoạt giữa xuất khẩu và nhập khẩu, chỉ mở rộng nhập khẩu khi xuất khẩu được cải thiện.
Trong khi đó, chính sách của Việt Nam còn ưu đãi như Quyết định 254/2006/QĐ-TTg quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (cư dân biên giới được mua hàng miễn thuế 2 triệu đồng/ngày). Như vậy, mỗi tháng một cư dân biên giới cần tới 60 triệu đồng cho hàng hóa. Đây là điều không thực tế bởi có nghiên cứu cho thấy cư dân biên giới Việt - Trung thực tế chỉ cần sang mua sắm của nhau mỗi tuần một lần.
Trên thực tế, việc cho phép mua 2 triệu đồng/ngày khiến nhiều đầu nậu có cơ hội tập kết hàng, thậm chí có trường hợp nhập cả container rồi nói do nhiều người mua...
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng xuất phát từ mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng không còn phù hợp làm cho nền kinh tế Việt Nam yếu kém. Giá trị gia tăng thấp của khu vực xuất khẩu cộng với sự mất giá của đồng tiền, trong khi cầu nội địa tăng làm cho thâm hụt thương mại ngày càng nghiêm trọng.
Việc theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng khiến Việt Nam chưa chú trọng tới phát triển khoa học công nghệ. “Càng nhập siêu công nghệ trung bình càng khó có khả năng cạnh tranh và chúng ta lại tiếp tục nhập siêu”, bà Ngọc phân tích.
Thêm nữa, công nghiệp hỗ trợ yếu kém khiến cho Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn nữa nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và làm cho con số nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng.
Muốn giảm nhập siêu từ Trung Quốc, theo bà Ngọc, Chính phủ cần có chính sách điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, chú trọng nhập khẩu cạnh tranh; xây dựng tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu; quản lý chặt tiểu ngạch; hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét