Hiện một số ngân hàng đang rất mong được “hồi sinh” thông qua những thương vụ mua bán sáp nhập với nhà đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Xây dựng, DongABank…
Từng kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho mua bán sáp nhập ngân hàng bằng vốn ngoại khi Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên đến nay, thị trường vẫn chưa xuất hiện thêm thông tin nào về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng, ngoài trường hợp GPBank bán 100% cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singgapore.
Trong thời gian tới, liệu có ngân hàng yếu kém nào sẽ được cứu thông qua những thương vụ mua bán sáp nhập từ vốn ngoại khi kỳ vọng về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài không đạt kỳ vọng? Nhất là khi cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra sốt ruột.
Động thái ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các TCTD Việt Nam (có hiệu lực 1/2/2015) cho thấy cơ quan này đang chuẩn bị đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hay mua bán sát nhập đối với ngân hàng yếu kém trong tương lai.
Dẫm chân tại chỗ
Trong Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vừa được WorldBank (WB) phát hành có nhắc đến mục tiêu trong năm 2014 sẽ có 6 -7 thương vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng và giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới của Ngân hàng Nhà nước. Song trong năm nay vẫn chưa có thương vụ nào mới được thực hiện.
Đặc biệt, với niềm tin về tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng, cả nhà quản lý và giới ngân hàng đều kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho vốn ngoại khi ban hành Nghị định 01 về tỷ lệ sở hữu cổ phần TCTD Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 49% nếu được Thủ tướng chấp thuận.
Thực tế, đến nay vốn ngoại vẫn thờ ơ với lượng cung khủng của ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng sẽ được hồi sinh như DongABank, Ngân hàng Xây dựng… nhưng vẫn chưa thấy.
Với Ngân hàng Xây dựng, những sai phạm của nguyên chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh và 6 đồng phạm đã đẩy quá trình tự tái cơ cấu của ngân hàng này vào bế tắc. Nếu không có nguồn lực mới đủ mạnh về năng lực tài chính, kinh nghiệm thì ngân hàng này rất khó vực dậy. Hoặc nếu không tìm thấy đối tác, có thể ngân hàng này sẽ phải sáp nhập vào một ngân hàng khác để tiếp tục tồn tại.
Còn với DongABank, nếu từ năm 2010 về trước, DongABank được biết đến là một ngân hàng phát triển bài bản với nền tảng là công nghệ. Nhiều sản phẩm như cây ATM di động, thẻ đa năng Đông Á... từng là những sản phẩm làm nên thương hiệu cho DongABank.
Vài năm trở lại đây, DongABank đã chững lại, hoạt động kinh doanh ngày càng xa sút. Đặc biệt, quý III/2014 DongA Bank bất ngờ báo lỗ trước thuế 66 tỉ đồng và sau thuế lỗ 76 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank cũng chỉ có 220 tỉ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ngân hàng này đạt 149 tỉ đồng, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm 2013.
Vấn đề của DongABank giờ đây là tìm cho mình một động lực từ dòng vốn ngoại có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để vực dậy. Nói theo cách nói của TS. Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch HĐQT DongABank, là không còn cách nào khác nếu không chọn con đường bán cổ phần cho nước ngoài để “cứu sống” chính mình.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như MB, HDBank, Sacombank… cũng đang mong mỏi có được một cổ đông chiến lược nước ngoài để tạo động lực bứt phá cho chính mình nhưng vẫn chưa có thông tin nào mới được công bố.
Vì sao?
Nếu như 10 năm về trước, có lẽ lượng cổ phần được tung ra thị trường của các ngân hàng đã được vét sạch với mức giá có lẽ là gấp 2, gấp 3, thậm chí, có những ngân hàng sẽ bán được cổ phần với giá khủng hơn thế do có nhiều lợi thế. Nhưng thời điểm hiện tại thì đang cho thấy một sự thật, đó là cổ phiếu ngân hàng đang bị ế.
Vì sao? Có rất nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn và chưa muốn xuất tiền. Nói như cách mà TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đó là việc bán cổ phần ngân hàng không khác gì việc tìm kiếm “chàng rể” cho con gái.
“Để có được tấm chồng tốt thì cô gái đó cần phải có nhiều ưu điểm được thể hiện, quan trọng hơn đó là sự hiểu nhau và cùng chung một chí hướng. Ngân hàng cũng vậy, để bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc cần phải sửa sang lại “hình ảnh”, quan trọng đó là có cùng quan điểm xây dựng và phát triển ngân hàng”, ông Kiên bình luận.
Theo ông Kiên, ngoài ra, việc bán được cổ phần hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có cả vấn đề nội tại của ngành ngân hàng.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng, cho biết sở dĩ vốn ngoại chưa đổ vào ngân hàng là do họ đang còn quan sát. Trước hết, đó là mục tiêu giảm số lượng ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
“Đây là yếu tố tương đối quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì tiềm năng phát triển của ngành ngân hàng hiện tại đã khác với 10 năm trước. Bây giờ thị trường ngân hàng đã bão hòa. Dân số tuy đông nhưng số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ 1/3 nhưng lại tập trung ở thành thị. Mảnh đất màu mỡ chính là khu vực nông thôn. Do vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho phát triển ngân hàng, nhưng nếu vào đầu tư để có lãi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, thị trường Việt Nam lại quá nhiều ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, bình luận.
Thực tế này cũng được WB thừa nhận. Theo WB, đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp thì hệ thống tài chính của Việt Nam là lớn với tổng tài sản lên đến 200% GDP vào năm 2011. Trong đó, khu vực ngân hàng chi phối hệ thống tài chính, với tổng tài sản tương đương 183% GDP (bao gồm cả hai ngân hàng chính sách).
Do vậy, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc bán cổ phần cho nước ngoài có diễn ra mạnh mẽ hay không phụ thuộc rất lớn vào hành động quyết tâm tái cơ cấu ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước thể hiện qua những quyết định được ban hành và giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém, giảm số lượng ngân hàng…
Một vấn đề rất quan trọng nữa quyết định đến việc chi tiền của nhà đầu tư nước ngoài, đó là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với các TCTD Việt Nam. Nếu chỉ đầu tư với tỷ lệ 30% vào ngân hàng, thực tế, nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia vào với hình thức đầu tư tài chính. Bởi họ không có nhiều quyền lực cho việc quyết định một vấn đề quan trọng.
“Còn với tỷ lệ 49% thì chỉ là đầu tư vào ngân hàng yếu kém cần phải giải cứu. Với nhà đầu tư nước ngoài, họ không có nhiệm vụ phải giải cứu ngân hàng yếu kém, mà nếu có giải cứu thì tỷ lệ này cũng không đủ sức thuyết phục họ chi tiền”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Theo vị chuyên gia này, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cần thể hiện để họ hiểu rằng họ có thể mua được nhiều hơn số lượng 30% cổ phần tại một ngân hàng bình thường nếu họ có mong muốn đầu tư dài hạn. Nếu giải quyết được khúc mắc này nữa, việc dòng vốn ngoại đổ vào cứu ngân hàng sẽ không phải là vấn đề trong tương lai gần.
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét