Từ ngày 1/2/2015, các TCTD được sử dụng 60% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. “Với động thái này tôi kỳ vọng vài ba tháng tới lãi suất cho vay trung hạn sẽ giảm, chứ đừng đòi hỏi giảm ngay lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay” – TS. Trần Du Lịch dự báo.
Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của bất cứ DN nào. Và để giảm được lãi suất cho vay, bên cạnh việc các NH phải tiết giảm chi phí hoạt động thì việc giảm được lãi suất huy động có vai trò quyết định.
Từ đầu năm đến nay, với các giải pháp điều hành CSTT của NHNN đưa ra một cách hợp lý thì mặt bằng lãi suất đã giảm. Đặc biệt, cuối tháng 10/2014, NHNN thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, NHNN cũng kêu gọi các NHTM nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ xuống mức tối đa 10%/năm. Cơ quan quản lý về tiền tệ cũng tiếp tục yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ) về mức dưới 13%/năm. Theo đó, đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 1,5 - 2,0%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn xuất hiện những luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề lãi suất có thể giảm nữa hay không. Đơn cử, lạm phát cả năm 2014 dự báo nhiều khả năng ở mức 3 – 4%. Nếu lạm phát ở mức này, NHNN có thể đưa trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng giảm xuống nữa (hiện đang là 5,5%/năm). Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục giảm trần lãi suất này xuống vì trên thực tế, một số NHTM đã huy động dưới mức trần do NHNN quy định.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, nhìn vào lạm phát năm nay tăng ở mức thấp có thể DN thấy sốt ruột, nhưng nếu NHNN hạ tiếp trần lãi suất huy động thêm trong khi chưa biết trước được diễn biến lạm phát năm 2015 thì thế nào cũng sẽ rất khó cho quản lý điều hành. “Nếu kéo lãi suất xuống, sang năm lạm phát tăng vào những tháng đầu năm, lúc đó NHNN điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động thì sẽ mang tiếng lại thắt chặt tiền tệ và thiếu sự ổn định” - vị chuyên gia trên chia sẻ.
Còn TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không nên nhìn vào sự chênh lệch giữa lạm phát và trần lãi suất huy động để nói lãi suất còn cao. “Giả sử năm nay lạm phát ở mức 3% và lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ở các NHTM khoảng 5,5%/năm, trong trường hợp khả năng tự đầu tư của người dân, hay tiền nhàn rỗi trong dân nhiều thì mức lãi suất này vẫn tương đối hấp dẫn. Trên thế giới không có nước nào điều hành lãi suất huy động lại lấy con số lạm phát rồi cộng thêm 1% hay 2%, mà phụ thuộc vào diễn biến thị trường vốn” – ông Lịch phân tích.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng lưu ý, nếu năm tới nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, tiền nhàn rỗi không lớn, thì lúc bấy giờ NH lại phải duy trì một mức lãi suất để có thể huy động được vốn. Thành ra, chúng ta không nên nói bao nhiêu là hợp lý mà còn tùy thuộc vào cung - cầu thị trường.
Thực tế, thời gian vừa qua, lãi suất huy động liên tục được giảm xuống nhưng chúng ta vẫn huy động được tiền gửi. Báo cáo của NHNN đến cuối tháng 11/2014 cho thấy, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn VND tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất VND liên tục giảm cho thấy, gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. “Vì chúng ta giải quyết được tương đối tốt vấn đề đầu tư vàng và ngoại tệ nên kênh gửi tiết kiệm VND vẫn hấp dẫn” – ông Lịch đưa ra quan điểm và cho rằng, không nên giảm lãi suất huy động thêm vào thời điểm này.
Đương nhiên, việc điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất còn liên quan tới những công cụ CSTT khác của NHNN và phải cân đối trên rất nhiều lĩnh vực. Từ ngày 1/2/2015, các TCTD được sử dụng 60% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. “Với động thái này tôi kỳ vọng vài ba tháng tới lãi suất cho vay trung hạn sẽ giảm, chứ đừng đòi hỏi giảm ngay lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay” – ông Lịch dự báo.
Theo Thoibaonganhang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét