Năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04%, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, mục tiêu đề ra cho năm 2014 lạm phát khoảng 7%, dù năm 2013 chỉ 6,04%, gần như là một thông điệp “ngầm” cho thấy chấp nhận nới chỉ tiêu lạm phát để kích thích tăng trưởng.
Để có thêm góc nhìn đa chiều, chuyên mục “Góc nhìn của tôi” kỳ này, VnEconomy tiếp tục giới thiệu phần dự báo CPI năm 2014 của 15 người, trong đó có 10 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.
Khoảng cách dự báo… khá xa
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 8 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (TS.Vũ Đình Ánh, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Đỗ Minh Phú, TS. Vũ Nhữ Thăng, ông Lê Phước Vũ) tin rằng, CPI năm 2014 sẽ tăng khoảng 7%.
Thậm chí, TS.Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Dragon Capital còn dự báo CPI năm nay chỉ tăng khoảng 6,4%.
Việc có 9 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (chiếm 60%) đưa ra kết quả trên cho thấy niềm tin của đa số người tham gia cuộc khảo sát tin rằng lạm phát sẽ trong vòng kiểm soát như mục tiêu.
Tuy vậy, 6 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp dự báo CPI có thể tăng từ 7% trở lên đến 9% cho thấy quan điểm quan ngại về lạm phát năm nay cũng không nhỏ.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương và TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có cùng chung dự báo về CPI năm nay khi cho rằng nó sẽ rơi vào khoảng 7-8%.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Quách Mạnh Hào và ba đại diện phía doanh nghiệp (ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Bảo hiểm Bảo Long, ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan, và ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam) lại có góc nhìn thận trọng hơn cả khi dự báo CPI năm nay có thể lên tới 8-9%.
Nhìn lại cả phần dự báo GDP, thì đa số chuyên gia lạc quan tăng trưởng GDP có thể đạt mục tiêu 5,8%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 7%. Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đa số thận trọng dự báo mức tăng GDP (khoảng 5,5%), nhưng lại quan ngại lạm phát có thể vượt qua mục tiêu 7%.
CPI năm 2014 có đáng ngại?
Nhìn nhận về con số dự báo có phần “lạc quan” nhất, 6,4%, trao đổi với VnEconomy, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Dragon Capital, cho rằng CPI năm 2013 tăng 6,04% chủ yếu do nhân tố tăng giá y tế và giáo dục. Nếu không có mức tăng mạnh của hai nhóm này thì CPI cả nước năm 2013 khoảng 4%.
Trong khi đó, hai nhóm y tế và giáo dục, theo ông Tuấn, năm 2014 có tăng cũng chỉ bằng 1/3 năm 2013. Do đó, ông dự báo CPI năm 2014 khoảng 6,4%.
“Mức dự báo CPI năm 2014 khoảng 6,4% này đặt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng tăng cao hơn 2013”, TS. Lê Anh Tuấn nhìn nhận.
Ông Tuấn cũng cho rằng, nếu tín dụng tăng 12-14% thì không thể tạo áp lực lên lạm phát được, vì nó cũng là con số gần tương đương với con số tăng trưởng GDP danh nghĩa trong 2014. Thêm vào đó, việc kinh tế tăng trưởng yếu, dưới mức tiềm năng thì bơm thêm tiền như vậy không thể tạo áp lực mạnh lên lạm phát.
“Lạm phát ở Việt Nam biến động rất mạnh, nhiều khi chỉ phụ thuộc một vài mặt hàng lương thực - thực phẩm. Ví dụ năm 2011, giá thịt heo tăng 100% thì đã tác động không nhỏ đến lạm phát. Do đó, nếu những yếu tố này được điều hành một cách nhịp nhàng thì rủi ro về lạm phát là khá thấp. Do đó, công tác điều hành nên tập trung vào một vài nhân tố nêu trên”, TS.Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, mục tiêu lạm phát năm 2014 dưới 7% có nhiều khả năng thực hiện được, không đáng lo ngại nếu có lo ngại thì là lạm phát năm 2015.
“Yếu tố có thể gây đột biến CPI năm 2014 là giá quốc tế, đặc biệt là giá xăng dầu và sự lên giá của USD sau khi Mỹ bỏ chính sách nới lỏng định lượng (QE)”, TS.Vũ Đình Ánh nói.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, trận địa lạm phát là xương sống cho các chính sách khác, do đó cần tập trung nguồn lực để điều hành và tránh trường hợp thấy lạm cao, có khi nguyên nhân là do một số mặt hàng lương thực-thực phẩm tăng cao, thì lại quay ngay sang nhìn nhận nguyên nhân cung tiền, và siết tín dụng. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Duy Cường
VNeconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét