Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia

Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia

Trong một năm qua, cái tên câu lạc bộ tình nguyện (CLB) Hope nổi lên như một đơn vị nổi bật, năng động, liên tục ghi điểm với nhiều chương trình thực chất, lan tỏa như: Chương trình “Mùa hè xanh” ở Quảng Bình, chuỗi chương trình “Mùa đông yêu thương” ở 5 tỉnh phía Bắc. Quân số tình nguyện viên (TNV) tăng nhanh từ 100 lên đến 300 người. Số cơ sở tăng lên từ 2 lên 6 cơ sở. Và đến đúng ngày sinh nhật của mình 7/12 vừa qua, câu lạc bộ tình nguyện Hope đã vinh dự nhận được giải thưởng tình nguyện quốc gia .


Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Táo xanh – anh Trần Trung Khải chủ nhiệm câu lạc bộ tình nguyện Hope để tìm hiểu thêm về những hoạt động của CLB này trong suốt 1 năm qua.


Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia


CLB tình nguyện Hope tưng bừng trong ngày sinh nhật


Chào Táo xanh, rất vui vì bạn nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn này. Trong một năm qua, CLB tình nguyện Hope có thay đổi gì nổi bật?


Trong năm qua, hướng đi của CLB có nhiều thay đổi, không còn bó hẹp. Hope muốn truyền thông nhiều hơn cho các hoàn cảnh cần được giúp đỡ, để nhiều đơn vị biết đến “điểm nóng” cần tình nguyện, xác định đến những vùng ít người biết và hoạt động tình nguyện thực chất.


Về quy mô, Hope đã không còn chỉ hoạt động đơn lẻ Hà Nội và Sài Gòn, mà nối 2 đơn vị này lại, thành lập ban điều hành chung và mở thêm các cơ sở khác, cùng liên kết lại với nhau.


Về thành viên, Hope đã không còn bó hẹp trong đại đa số sinh viên, mà có cả những tình nguyện viên đang đi làm.Đặc biệt là cơ sở Lào Cai, một bộ phận thành viên là các giáo viên bản, họ nắm khá rõ tình hình địa phương nên các chương trình thiết thực nhất có thể.


Vậy hiệu quả của những thay đổi đó là gì?


Cuối năm ngoái thì TNV cũng chỉ giao động trong khoảng 100 người cho cả 2 cơ sở, sang đến năm nay thì lên đến 300 cho 6 cơ sở. Về hoạt động thì năm ngoái hoạt động đều đặn và khá sôi nổi. Sang năm nay thì thực sự trở nên bùng nổ, vì mỗi tháng quá nhiều sự kiện diễn ra. Và dường như nó cũng đang trở thành quá sức cho ban chủ nhiệm mới.


Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia


Táo xanh cầm bằng khen của Trung ương đoàn và giấy chứng nhận CLB đạt giải tình nguyện quốc gia


Với lực lượng tình nguyện viên đông như vậy, các bạn đã làm gì để giữ chân họ?


Hope chủ trương không giữ chân TNV. Các bạn đến là vui và đi cũng phải vui. Với mỗi TNV, nếu cảm thấy công việc ý nghĩa, giúp được người khác, tự lòng mình sẽ thấy vui. Đó là giúp người mà giúp chính mình. Còn nếu bạn không cảm thấy phù hợp, thì các bạn có thể tự rút. Rút không phải là bỏ tình nguyện mà là tìm một nơi khác phù hợp hơn. Còn nếu các bạn muốn quay lại, Hope luôn chào đón.


Còn với ban chủ nhiệm (BCN), các bạn đã làm thế nào để duy trì hoạt động, duy trì được tập thể đoàn kết trong suốt một năm qua?


Khi tình nguyện viên tăng lên thì ban chủ nhiệm không thể tránh khỏi áp lực . Trong điều kiện đó, BCN cần biết cách quản lý tốt hơn, không cần trực tiếp làm chương trình, và giao chương trình về các đội, để TNV tự lên ý tưởng và thực hiện dưới sự dìu dắt chỉ bảo của BCN. Bên cạnh đó BCN luôn kiểm soát chương trình để nó không đi "quá xa". Giao cho TNV cũng là để các em đổi mới cách thức hoạt động, tránh đi vào lối mòn, tìm ra những cách làm tốt nhất. Để các em được thử sức mình cũng là cho các em được thấy quyền làm chủ của mình ở Hope. Mặt khác, Hope cũng xác định tình nguyện là môi trường đào tạo thanh niên, nên đó là điều cần làm.


Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia


Táo xanh cùng chủ nhiệm các cơ sở của CLB tình nguyện Hope


Nghĩa là giao việc thực hiện các chương trình vào tay các tình nguyện viên khi họ chưa có kinh nghiệm?


Như đã nói ở trên, khi giao việc cho TNV thì BCN sẽ phải luôn đi theo cố vấn, dìu dắt và kiểm soát chặt chẽ. Có một sự thực là “tuổi thọ” của TNV là cực ngắn, thông thưởng chỉ khoảng 6 tháng. Nhưng nếu ai đã ở lại thì ở lại rất lâu. Hope chấp nhận sự thay đổi và không đặt kỳ vọng quá vào lứa TNV nào. Ai cũng có thể trở thành BCN tương lai, nên BCN sẽ chia sẻ kỹ năng cho tất cả TNV.


Vậy Hope đã làm gì để đào tạo được các TNV?


Trước tiên, quan điểm của Hope là đào tạo sẽ không hoài phí. Dù biết rằng 6 tháng nữa có thể họ sẽ ra đi nhưng rời Hope, họ có thể dùng kiến thức đó để phục vụ cho các đội tình nguyện khác. Nếu không, đó cũng sẽ là những kỉ niệm khó quên của các TNV.


Còn về chuyện đào tạo, Hope thường không dạy các TNV mà để cho họ gặp khó khăn, tự vấp ngã, đứng dậy và rút ra bài học cho mình. Ví dụ như chuyện nấu cháo, khi mình dạy cách nấu cháo thì các bạn ấy có vẻ không tin lắm. Nên mình để cho các bạn ấy tự làm. Sau một nồi khê, một nồi cháy thì đến nồi thứ 3 thì cháo đã ăn được (cười).


Trong cuộc phỏng vấn trước đây, bạn có cho biết về ý định xây dựng CLB tình nguyện Hope trở thành danh bạ tình nguyện sống. Vậy bây giờ, điều đó đã thực hiện đến đâu rồi?


Hope đang ấp ủ và nhân rộng điều đó. Hiện nay đang có 2 cơ sở đang chờ ngày thành lập và hướng đến cuối năm 2014 sẽ có tất cả 19 cơ sở của Hope. Mặt khác, câu lạc bộ tình nguyện Hope đưa các cơ sở trực thuộc tỉnh đoàn địa phương để hoạt động ổn định hơn.


Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia


Bán cơm chay với giá 5k cho sinh viên


Một vấn đề nan giải của các CLB tình nguyện khác là vấn đề tài trợ, vậy Hope đã vượt qua khó khăn này như thế nào?


Hope đã thành lập đội kinh tế để kinh doanh gây quỹ nhưng kết quả không thực sự khả quan. Tiền lãi không đủ để thực hiện chương trình nên nguồn tài chính của Hope chủ yếu vẫn từ tài trợ. Hope xin tài trợ vẫn theo cách truyền thống là gọi điện, gửi email, gửi thư… Nhưng cái chủ yếu là thuyết phục nhà tài trợ bằng cách hoạt động đều đặn hàng tuần, bằng các chương trình đã thực hiện. Khi thực hiện chương trình, Hope sẽ mời các nhà tài trợ cùng đi để họ tận mắt chứng kiến. Sau mỗi chương trình, Hope sẽ gửi báo cáo tài chính đến nhà tài trợ. Vì vậy, CLB tình nguyện Hope luôn tạo được niềm tin và sau mỗi chương trình thường sẽ có ít nhất một nhà tài trợ gắn bó lâu dài với Hope.


Bên cạnh đó, trước mỗi chương trình, Hope sẽ làm mọi cách để xoay đủ kinh phí như: chụp ảnh dạo, bán ngô khoai, tổ chức đêm nhạc. Trong trường hợp bần cùng, Hope sẽ nhờ đến các nhà tài trợ thân thiết ra tay giúp đỡ.


Trò chuyện cùng CLB đình đám đạt giải thưởng tình nguyện quốc gia


Trong năm qua, CLB tình nguyện Hope đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực như tặng quà cho đồng bào vùng cao


Bạn có thể chia sẻ một chút tâm sự khi nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia?


Việc tham gia giải thưởng là thực hiện mong muốn của nhiều bên. Khi tham gia giải. CLB tình nguyện Hope rất tự tin về những gì mình làm được. Thật vui khi giải thưởng lại đến đúng vào đêm sinh nhật. Nó mang đến cơ hội giao lưu kết bạn và đưa ý tưởng xây dựng danh bạ tình nguyện lan tỏa đến các đội khác.


Còn về cá nhân mình, Táo xanh làm gì để duy trì đam mê tình nguyện?


Mình dự tính mở một quán cơm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Một phần là để tạo công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân. 50% lợi nhuận sẽ dành để duy trì hoạt động của CLB tình nguyện Hope. Mình hi vọng quán ăn sẽ đắt khách và được nhiều người ủng hộ.


Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á