Năm 2013 là một năm thắng lợi với thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index tăng gần 22%.
PVN-index: Hầu hết đều tăng điểm mạnh
Kết thúc năm 2013, ngoại trừ chỉ số PVN Tài chính giảm điểm, 10 chỉ số còn lại trong bộ chỉ số PVN-Index có mức tăng điểm khá mạnh.
Theo thống kê, chỉ số PVN Dầu khí có mức tăng mạnh nhất, với mức tăng 70,5%, đạt 1.096,42 điểm (tăng 453,35 điểm so với đầu năm là 643,07 điểm).
Nếu so với chỉ số chính của thị trường là VN-Index trên sàn HOSE tăng 21,97%, thì chỉ số PVN Allshare HSX đã chiến thắng thị trường một cách xuất sắc khi chốt phiên 31/12/2013 tại 1.238,84 điểm, tăng 59,09% so với đầu năm là 778,72 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 18,83% sau một năm giao dịch, chỉ số PVN Allshare HNX bám đuổi khá sát với mức tăng 15,99%, lên 747,19 điểm so với đầu năm là 644,16 điểm.
Năm 2013 đánh dấu một năm khó khăn của lĩnh vực tài chính, trong bối cảnh quá trình tái cấu trúc hệ thống được triển khai quyết liệt. Do đó, việc chỉ số PVN Tài chính giảm điểm cũng phần nào phản ánh thực trạng chung. Kết thúc năm 2013, PVN Tài chính giảm 16,2% xuống 489,3 điểm, mất đi gần 95 điểm so với con số đầu năm là 583,91 điểm.
Đáng chú ý, nhà đầu tư lựa chọn danh mục theo chỉ số PVN 10 (gồm 10 cổ phiếu trong bộ chỉ số PVN-Index) để đầu tư, thì mức lợi nhuận thu được là 36,33%, chiến thắng thị trường một cách dễ dàng. Yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp vốn hóa lớn là các blue-chip hàng đầu thuộc PVN 10 vẫn rất tích cực. Điểm cốt lõi để thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn chính là tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai của các doanh nghiệp dầu khí. Đúng như dự báo của các chuyên gia phân tích và nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Dầu khí vào giữa năm 2013, PVN 10 đã vượt qua đỉnh cũ quanh khu vực 890 điểm và thiết lập xu thế tăng dài hạn.
Theo giới phân tích, PVN Allshare vẫn đang nằm trong xu thế tăng trung - dài hạn. Xu thế tăng này được khẳng định qua sự tăng trưởng về thanh khoản và giá trị giao dịch. Các doanh nghiệp thuộc PVN đang thu hút mạnh cả dòng tiền trong và ngoài nước. Chính điều này đã tạo ra xu hướng tích cực dài hạn, với sự ổn định về mặt giao dịch cho chỉ số.
Thanh khoản chiếm 12,3% toàn thị trường
Tính đến hết năm 2013, trong 27 mã cổ phiếu thuộc PVN Allshare niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX có 9 mã giảm giá, 1 mã đứng giá và 17 mã tăng giá. Tổng khối lượng giao dịch trong năm đạt gần 3,292 tỷ đơn vị cổ phiếu, chiếm 12,3% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường (26,750 tỷ đơn vị).
Thanh khoản của chỉ số là yếu tố quan trọng nhất mà các quỹ đầu tư, nhà đầu tư luôn quan tâm. Trong năm 2013, thanh khoản của PVN Allshare đạt bình quân trên 13,169 triệu cổ phiếu/phiên, tăng hơn 2 triệu cổ phiếu/phiên so với năm 2012. Điểm tích cực này cũng diễn ra tương tự trên PVN 10. Nếu như thanh khoản bình quân của PVN 10 trong năm 2012 đạt hơn 8,37 triệu cổ phiếu/phiên, thì năm 2013, con số này đạt 10,73 triệu cổ phiếu/phiên.
Cổ phiếu có giao dịch nhiều nhất là PVX với gần 1,247 tỷ đơn vị, chiếm 37,87% tổng khối lượng giao dịch của các cổ phiếu trong bộ chỉ số PVN-Index.
Cầu từ NĐT ngoại chiếm 1/3 thị trường
Trong năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 52,446 triệu cổ phiếu trên chỉ số PVN Allshare, tương đương giá trị mua ròng 2.277,6 tỷ đồng. Nếu so với toàn thị trường, con số này tương ứng 27,49% tổng khối lượng và 33,35% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm (tổng khối lượng mua ròng toàn thị trường là 190,73 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng 6.829 tỷ đồng).
Xét theo phạm vi niêm yết, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng gần 44 triệu đơn vị cổ phiếu thuộc chỉ số PVN Allshare HSX, với giá trị đạt 1.778,3 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8,4 triệu cổ phiếu thuộc chỉ số PVN Allshare HNX, trị giá mua ròng 489,2 tỷ đồng.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét