Sáng mùng một Tết, cụ Nguyễn Thị Tài, 82 tuổi, nhà ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, dậy rất sớm. Một gánh trầu cau xanh tươi, óng ả sắp sẵn từ chiều 30 theo nhịp gánh gồng lầm lụi giữa sương mai cùng bà về Tuy Phước. Ở đó, phiên chợ Gò - Trường Úc, mà giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản vật văn hóa độc đáo của Bình Định, lúc nào cũng có chỗ cho những người như bà.
Cụ Tài cho biết, 50 năm qua, mùng một Tết nào bà cũng có mặt ở phiên chợ Gò - Trường Úc. Hàng họ mỗi thời mỗi khác nhưng niềm háo hức và mối thiện tâm thuần phát nơi người đàn bà sống qua gần một thế kỷ thì lúc nào cũng ăm ắp, tươi nguyên.
Chợ Gò - Trường Úc nhóm tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Đây là sự kiện đặc sắc trong đời sống và tâm thức làng quê Bình Định. Chợ Gò mỗi năm chỉ mở một phiên, đúng vào ngày đầu tiên của năm âm lịch. Ở đó, có gì bán nấy, hàng hóa quen thuộc thường là con cá, mớ rau, củ khoai, hạt gạo, chút vôi nồng cay, hạt muối mặn mòi, buồng cau mơn mởn. Cũng có khi, đó chỉ là chùm sung vườn nhà vừa hái mà kẻ bán người mua đều muốn gửi gắm ở đó bao điều ý nhị.
Sản vật nào, thực ra cũng chỉ là cái cớ. Chợ Gò - Trường Úc, trong niềm tin lâu đời của người dân địa phương chính là phiên chợ cầu may, cầu lộc. Bởi vậy nên đến chợ, không ai chen lấn đẩy xô, không ai giành mua giành bán, không ai mặc cả trả treo. Người đến chợ Gò đều sẵn cái tâm thế cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, gia đạo tốt tươi, anh em hòa mục.
Trai thanh gái lịch về Chợ Gò, ngoài ra, còn mang theo nỗi ước ao vĩnh kết đồng tâm, tình nồng duyên thắm. Mấy năm gần đây, chính quyền và ngành văn hóa địa phương đã tổ chức phiên chợ Gò hàng năm thành một địa chỉ văn hóa, nơi gặp gỡ, vui chơi, giải trí đầu năm, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Một số hình ảnh khác của phiên chợ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét