Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Điều kỳ diệu Samsung

Điều kỳ diệu Samsung


Không ngoa khi nói rằng, có một điều kỳ diệu đang gắn liền với hai chữ Samsung. Kỳ diệu ngay với chính Samsung, bởi “gã khổng lồ” của ngành điện tử này đã phát triển nhanh đến mức chóng mặt trong những năm qua trên toàn cầu. Và kỳ diệu vì những gì mà Samsung đang mang lại cho Việt Nam.


13 năm và 35 nấc thang


Con số có vẻ chẳng có gì gắn với thứ hạng dẫn đầu mà Samsung đang giành được trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) toàn cầu. Kết quả khảo sát được Hãng nghiên cứu Strategy Analytics công bố hồi tháng 11/2013 cho thấy, Samsung là nhà sản xuất thiết bị cầm tay số một ở mọi khu vực trên thế giới, dù là Bắc Mỹ, Tây Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Đông Âu, hay châu Phi.


Trong khi đó, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới của Interbrand, công bố mới đây, Samsung đã xuất sắc vươn lên hạng 8, với giá trị thương hiệu đạt 39,6 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, sự thăng hạng liên tục của Samsung thực sự là điều rất đáng ghi nhận. Và đó là một điều kỳ diệu, với Samsung.


Nên nhớ, năm 2000, Samsung chỉ ở vị trí thứ 43, với giá trị thương hiệu 5,2 tỷ USD. 13 năm sau, Samsung đã vượt qua 35 nấc thang, để vươn lên hạng thứ 8. Và giá trị thương hiệu đã gấp gần 8 lần so với hơn 1 thập kỷ trước.


Samsung cũng đã trở thành một trong những thương hiệu có sự gia tăng thứ hạng trong Top 100 của Interbrand nhanh nhất. Vậy mà trước đây, tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới này chỉ đặt mục tiêu lọt vào top 15 thương hiệu mạnh nhất thế giới vào năm 2020.


Lần giở lịch sử, trước thời điểm năm 2000 khoảng 7 năm, tức là năm 1993, chuyện kể rằng, ông Lee Kun Hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã quyết định có một chuyến du hành khắp thế giới, để tìm hiểu xem, Samsung đang ở đâu trên toàn cầu. Và kết quả chẳng mấy vui vẻ, bởi ở một cửa hàng điện tử nằm ở phía Nam California, ông thấy những chiếc TV hiệu Sony và Panasonic được xếp ở kệ trưng bày mặt tiền, còn TV Samsung bị đặt ở một chiếc kệ thấp hơn nằm phía sau và đóng đầy bụi.


Tháng Sáu năm đó, Chủ tịch Lee Kun Hee đến Frankfurt (Đức). Và bước ngoặt đến với Samsung từ đó, khi tại căn phòng khách sạn nhỏ, Chủ tịch Lee Kun Hee đã ra tuyên bố chính sách “Quản lý mới”, với câu nói bất hủ “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con bạn”. Đây chính là sự bắt đầu cho một quá trình cải tổ ở Samsung, mà nhờ vậy mới có một kỳ tích Samsung ngày hôm nay: trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu, tính theo doanh thu.


Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, còn lợi nhuận sau thuế là 22,3 tỷ USD. Năm 2013, con số chính thức chưa được công bố, nhưng 3 quý đầu năm vào khoảng 154 tỷ USD. Quý III/2013 còn ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục của Tập đoàn, với 9,6 tỷ USD.


Cùng với doanh số và lợi nhuận không ngừng tăng nhanh, Samsung hiện cũng đứng đầu toàn cầu về thị phần các sản phẩm như TV, màn hình, ĐTDĐ thông minh (smartphone), ĐTDĐ nói chung, DRAM… Ước tính hiện nay, cứ mỗi 30 phút thì lại có 23.000 chiếc ĐTDĐ và 3.000 chiếc TV nhãn hiệu Samsung được bán ra trên toàn thế giới.


Chìa khóa thành công


Samsung ở Hàn Quốc không chỉ gắn với ĐTDĐ, máy tính, TV, tủ lạnh…, mà còn có tên trên khắp các sản phẩm khác, từ bánh kẹo, mỹ phẩm cho tới sâm, linh chi, hay thậm chí cả ô tô, hàng dệt may… qua các công ty con về bảo hiểm, xây dựng…


Nhưng với Samsung Điện tử, nhánh quan trọng nhất của Tập đoàn, thì ĐTDĐ, mà cụ thể là smartphone, và cả TV, mới chính là “vũ khí chiến lược”. Bắt đầu từ năm 2014, Samsung tung ra thị trường dòng Galaxy S. Ban đầu là Galaxy S, rồi S2, S3, S. Đây chính là dòng sản phẩm đã mang lại cho Samsung ngôi vị nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới.


Hiện nay, S5 đang được chuẩn bị tung ra thị trường, dự báo vào khoảng tháng 3, tháng 4/2014. Chiếc điện thoại này được cho là sẽ có nhiều thay đổi so với Galaxy S4, đặc biệt về thiết kế và màn hình. Và đây có thể sẽ là sản phẩm “bom tấn” giúp Samsung có được doanh số và lợi nhuận tốt trong quý I/2014, sau khi bị giảm nhẹ trong quý IV/2013.


Cùng với dòng Galaxy S, thì Galaxy Note cũng là một đột phá của Samsung. Cuối năm ngoái, Samsung đã cho ra mắt Galaxy Note thế hệ thứ 3 tại Berlin (Đức). Điểm nhấn đặc biệt, là đồng hành với Note 3 còn có chiếc đồng hồ thông minh Galaxy Gear, để tạo thành một cặp đôi hoàn hảo. Dù chưa có những ghi nhận về thành công trong thương mại với sản phẩm Gear, nhưng sự ra mắt của chiếc đồng hồ thông minh đã một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Samsung trong việc không ngừng đưa ra các sản phẩm công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại bậc nhất.


Samsung không chỉ đi đầu với Gear, mà trước đó, cũng tạo những đột phá ấn tượng và là người tiên phong trong việc tung ra các sản phẩm smartphone với màn hình kích thước lớn. Sau Samsung, các hãng công nghệ khác cũng “học theo” và giờ, sản phẩm lai điện thoại và máy tính bảng - phablet - đang là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Riêng với Samsung, ngoài các dòng sản phẩm Galaxy S, Galaxy Note, còn có Galaxy Grand, Galaxy Mega… cũng được đánh giá rất cao.


Ngoài smartphone, Samsung cũng đi đầu trong các dòng sản phẩm TV bán chạy nhất toàn cầu. Năm 2012, Samsung tiếp tục giữ thị phần TV số một thế giới năm thứ 7 liên tiếp và chiếm 30,5% thị phần TV toàn cầu. Năm 2013, Samsung đã ra mắt chiếc TV OLED màn hình cong đầu tiên trên thế giới. Và cách đây ít ngày, tại Triển lãm Điện tử lớn nhất thế giới CES 2014, đã giới thiệu chiếc TV màn hình cong lớn nhất thế giới, có kích cỡ lên đến 105 inches, với độ phân giải Ultra HD, khiến đông đảo khách tham quan trầm trồ, thán phục. Samsung khẳng định, chiếc TV màn hình cong thế hệ mới của hãng sẽ cho chất lượng hình ảnh chân thực với độ sâu hơn nhiều so với trước.


Vẫn là một thử nghiệm mới, nhưng sự xuất hiện của TV màn hình cong, đã một lần nữa khẳng định bước đi đột phá của Samsung trong đầu tư vào công nghệ.


Tập đoàn này, trong nỗ lực trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới, cùng với việc liên tục giới thiệu cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới, đã đầu tư một khoản xứng đáng cho nghiên cứu và phát triển (R&D).


Samsung Điện tử hiện có tới 34 trung tâm R&D tại khắp các châu lục trên thế giới: Bắc Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Israel và Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2012, đã có 10,8 tỷ USD được Samsung đầu tư cho R&D, tương đương với 5,7% tổng doanh số của toàn công ty.


Đầu tư lớn như vậy, nên Samsung hiện nằm trong top 5 công ty công nghệ sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới. Năm 2013, tập đoàn này đăng ký tới 4.675 bằng sáng chế tại Phòng Thương mại và Sáng chế Hoa Kỳ. Với số lượng này, Samsung giữ vị trí là công ty có số lượng bằng sáng chế lớn thứ hai trên thế giới, liên tục trong 7 năm (tính đến hết năm 2013).


Không chỉ đầu tư lớn cho công nghệ, Samsung cũng đã đầu tư lớn cho thiết kế. Và đây chính là “hai chân” mang lại thành công lớn cho Samsung trong 20 năm qua.


Hiện nay, Samsung có 7 trung tâm thiết kế tại Seoul, London, Milan, Los Angeles, San Francisco, Thượng Hải và Tokyo. Đầu tư trong lĩnh vực thiết kế đã mang về cho Samsung hơn 600 giải thưởng, trong đó có 91 giải trong năm 2012, bao gồm các giải danh giá như IDEA (Mỹ), iF (Đức). Hầu hết các mặt hàng chủ lực của Samsung như TV, điện thoại, máy giặt, máy nghe nhạc MP3, đầu Blu-ray… đều từng giành các giải thưởng về thiết kế.


Cứ nhìn các sản phẩm TV hay điện thoại của Samsung, mà nổi bật nhất là chiếc Galaxy Note 3 hay chiếc TV màn hình cong mới nhất vừa được giới thiệu, nó không chỉ là một vật dụng hữu ích, mà còn là một đồ trang trí tuyệt đẹp. Thật khó để cưỡng lại sự thu hút của các sản phẩm này. Và đó là một lý do mang lại sự thành công kỳ diệu cho Samsung.


5 năm và 7 tỷ USD


Lại là những con số. Nhưng những con số này có ý nghĩa khác hẳn đối với Samsung. Đó là những đóng góp to lớn của tập đoàn này ở Việt Nam - một thị trường đầu tư đầy tiềm năng, mà giờ đây đã trở thành cứ điểm sản xuất mới của họ.


Chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, chuẩn bị kỷ niệm tròn 5 năm sản xuất chiếc ĐTDĐ Samsung đầu tiên ở Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã liên tiếp gặt hái được những thành công trong thời gian qua, với 2 lần điều chỉnh vốn đầu tư để đến nay có tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD và trở thành Tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Complex). Hơn 1 năm sau ngày chính thức đi vào sản xuất, tháng 9/2010, SEV đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Con số này nâng lên 5 tỷ USD vào năm 2011 và 12,7 tỷ USD vào năm 2012.


Cuối năm 2012, khi trao đổi với Báo Đầu tư, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Complex, cho biết, kế hoạch năm 2013, SEV sẽ xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Nhưng kết quả vừa được SEV công bố, công ty này đã có một bước tiến ngoạn mục trong năm nay, khi đạt doanh thu tới 24,3 tỷ USD, trong đó riêng phần xuất khẩu là 23,5 tỷ USD - một kỷ lục mà có lẽ từ trước tới nay chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam làm được.


Nhờ kết quả này, SEV đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, sau khi đứng thứ Tư vào năm 2012.


Hơn thế, điều đáng ghi nhận ở chỗ, năm nay, với kim ngạch nhập khẩu 16,3 tỷ USD, không tính phần tiêu thụ nội địa, thì SEV xuất siêu tới 7,2 tỷ USD. Nếu trừ đi phần nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đầu tư, thì con số thực tế có thể xấp xỉ 8 tỷ USD.


“Đây là kết quả của những nỗ lực của chúng tôi trong việc thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, cũng như tự đầu tư các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện. Trong tương lai, khi các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào nhiều hơn và sản xuất ổn định, con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina hồ hởi nói.


Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, không ít quan điểm cho rằng, nhà đầu tư này đầu tư lớn nhưng sẽ chẳng mang lợi được bao nhiêu, vì chỉ lắp ráp là chính. Nhưng nhìn vào con số giá trị gia tăng mà Samsung đem lại trong năm 2013, câu trả lời đã rất rõ ràng.


“Đây là con số rất đáng quý đối với Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm về đầu tư trực tiếp nước ngoài nói.


Năm ngoái, giá trị gia tăng mà SEV mang lại cho nền kinh tế Việt Nam chỉ là 1,159 tỷ USD. Con số năm nay đã tăng mạnh và kết quả này được cho là nhờ khoảng 60 doanh nghiệp vệ tinh, với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD mà Samsung đã thu hút được trong thời gian qua.


Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới vào tỉnh này là 1,474 tỷ USD. Trong số này, có dự án tăng vốn 1 tỷ USD của SEV. Phần còn lại, có đến 94% là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, có liên quan đến điện tử. Và các dự án này phần lớn là dự án vệ tinh cho Samsung.


Thông tin từ SEV cho biết, các nhà đầu tư vệ tinh đang giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động. Trong khi đó, lao động trực tiếp từ SEV là 43.000 người.


“Riêng trong năm 2013, chúng tôi cũng đóng góp khoảng 50 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng) thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước”, đại diện của SEV cho biết.


Xét về tổng thể, khoản nộp ngân sách này không lớn. Nhưng một lần nữa cũng phải nhắc lại rằng, đánh giá về những đóng góp của SEV, phải nhìn cả những đóng góp của nhà đầu tư này liên quan đến giải quyết việc làm, thu hút nhà đầu tư vệ tinh, cũng như đầu tư cho R&D…


Tháng 11 vừa qua, Samsung đã chính thức đưa Trung tâm R&D tại Hà Nội vào hoạt động trên diện tích 10.000 m2 mặt bằng thuê của tòa nhà PVI. Hiện trung tâm này có 657 nhân viên, nhưng sẽ nhanh chóng tăng lên khoảng 1.800 người vào năm 2015.


Cùng với nhà máy ở Bắc Ninh, tháng 3/2013, Samsung cũng đã chính thức khởi công xây dựng Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT), với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Nhà máy sản xuất ĐTDĐ này dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 3 tới, với khoảng 4.000 công nhân. Đến cuối năm, con số này sẽ là 15.000 công nhân và sẽ sớm đạt quy mô như SEV.


Và khi ấy, Samsung có thể sản xuất tại Việt Nam tới phân nửa sản lượng ĐTDĐ của hãng này. Một điều, mà như GS. Nguyễn Mại đã nói, là chưa từng có ở Việt Nam - trở thành trung tâm sản xuất ĐTDĐ của thế giới.


Cũng giống như SEV, SEVT dù chỉ mới đang trong giai đoạn hoàn thiện song đã trở thành lực hấp dẫn đầu tư lớn, với hàng loạt nhà đầu tư vệ tinh cỡ nhỏ. Lớn hơn, thì chính là Samsung, với dự án sản xuất vi mạch và linh kiện điện thoại, vốn đầu tư 1,23 tỷ USD và Dự án Hansol, 150 triệu USD. Hai nhà máy này đều đã được khởi công xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trước tháng 9/2014, để kịp cung ứng phụ kiện cho SEVT.


Điều này có nghĩa, năm 2014, Samsung sẽ tiếp tục dệt thành công ở Việt Nam. Và những điều kỳ diệu mà tập đoàn này mang lại cho Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.


Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đánh giá rất cao động thái đầu tư của Samsung ở Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, sẽ lấy Samsung như một hình mẫu để nghiên cứu, từ đó có chính sách kêu gọi và thu hút đầu tư phù hợp với Việt Nam.


Các sản phẩm của Samsung hấp dẫn người dùng bằng thiết kế tinh tế và công nghệ vượt trội


Và tầm nhìn tương lai


Mong muốn tạo ra công nghệ và sản phẩm mới để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác cũng như nhân viên của mình. Đó là tầm nhìn chiến lược mà Tập đoàn Samsung đang hướng tới.


Hàng loạt mục tiêu cụ thể cũng đã được đặt ra. Đó là đạt doanh thu 400 tỷ USD vào năm 2020. Được công nhận là top 10 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới.


Bên cạnh đó, từ những thành công hiện tại trong ngành hàng truyền thông di động và điện tử tiêu dùng, Samsung cũng đã đặt mục tiêu mở rộng hoạt động trong một số lĩnh vực mới như thiết bị y tế, sinh học, các thiết bị sử dụng năng lượng mới, thân thiện với môi trường…


Tháng 5/2010, Samsung lần đầu tiên công bố đầu tư vào những lĩnh vực mới này, với kế hoạch đầu tư dài hạn lên tới 23.300 tỷ won cho đến năm 2020. Theo kế hoạch, 5 lĩnh vực kinh doanh mới này sẽ tạo ra khoảng 45.000 việc làm và khoảng 50.000 tỷ won doanh thu hàng năm cho các công ty con của Tập đoàn vào năm 2020.


Phát biểu tại cuộc họp lịch sử vào tháng Năm năm 2010 đó, Chủ tịch Lee Kun Hee đã khẳng định rằng, nhiều Chính phủ trên thế giới đang đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh để giải quyết vấn đề nguồn năng lượng đang cạn kiệt và để bảo vệ môi trường. Và đó là những thách thức ngày càng gia tăng cho cộng đồng toàn cầu.


“Nhiệm vụ của bất cứ ngành kinh doanh nào là đóng góp cho sức khỏe của con người và chất lượng cuộc sống”, ông Lee Kun Hee đã nói như vậy và nhấn mạnh, trong khi các công ty toàn cầu còn ngại ngùng, thì Samsung phải tiến lên phía trước để tận dụng cơ hội này.


“Và điều này cũng có lợi cho nền kinh tế đất nước”, ông Lee Kun Hee nói.


Samsung vẫn còn 6 năm để biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực. Và một khi nó thành công, thì không gì khác ngoài hai chữ “KỲ DIỆU” phải được gắn với tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc này.


Nguyên Đức


ĐTCK




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á