Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Dấu ấn kinh tế - xã hội 2014: Ba đột phá chiến lược

Dấu ấn kinh tế - xã hội 2014: Ba đột phá chiến lược


Việc thực hiện hiệu quả "ba đột phá chiến lược" chính là dấu ấn chủ đạo trong bức tranh chung về kinh tế - xã hội Việt Nam 2014 theo tinh thần của Nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành.


Những ngày đầu tiên của năm mới 2014, bằng Nghị quyết 01/NQ-CP – Nghị quyết quan trọng đầu tiên của năm 2014, dấu ấn của Chính phủ đã được thể hiện khá rõ nét với quyết tâm cao trong việc sớm đưa nền kinh tế đi vào ổn định và phát triển hậu khủng hoảng.


Trong đó, Nghị quyết nêu rõ: Việc thực hiện hiệu quả “ba đột phá chiến lược” chính là chìa khóa tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2014.


Ba đột phá chiến lược mà Chính phủ yêu cầu thực hiện có hiệu quả trong năm 2014 bao gồm: Đẩy mạnh cải cách thể chế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.


Về đẩy mạnh cải cách thể chế: Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp sửa đổi năm 2013; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.


Hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp về vốn, tài sản của các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, người dân.


Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành có liên quan nhanh chóng hoàn thiện các dự thảo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản;… và các dự thảo luật, pháp lệnh khác theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua và xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn.


Rà soát, sửa đổi bổ sung khung pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện các dịch vụ công, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư; phát triển KCN-KKT; đẩy mạnh trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…


Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; thông tin thường xuyên tình hình thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp hàng tháng của Chính phủ.


Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tiễn và không khả thi.


Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chính phủ yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Trong ngắn hạn, năm 2014 tập trung đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá và thi (tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng). Chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.


Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính giáo dục đào tạo gắn với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề.


Điều chỉnh cơ cấu ngành nghề hợp lý, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của các ngành, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung nhiều lao động. Đồng thời, cần có những giải pháp hình thành liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và phát triển, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu ra cho công tác đào tạo.


Thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi và khuyến khích, tôn vinh các điển hình tiêu biểu liên quan đến công tác đào tạo. Tăng cường cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho đầu tư xây dựng trường học, cơ sở đào tạo, ký túc xá cho học sinh sinh viên và người học nghề.


Về tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan địa phương tập trung nguồn lực phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng.


Thực hiện đồng bộ các giải pháp vận động tài trợ và đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay thương mại ưu đãi.


Tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, lựa chọn một số dự án thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP); có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.


Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai.


Tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng các nhóm khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu thuộc diện ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo đề án đã được phê duyệt, hỗ trợ công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong các KCN-KCX-KKT.

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cải tạo, mở rộng QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Nhật Tân – Nội Bài, các đường cao tốc trọng điểm của các vùng…Đảm bảo giao thông huyết mạch được thông xuốt, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội các vùng miền có hệ thống giao thông đi qua.


Theo V.Minh


Bizlive




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á