Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Thị trường bán lẻ năm 2014

Thị trường bán lẻ năm 2014


Cuộc đua điểm bán đã tạo nên không khí sôi động cho thị trường bán lẻ trong suốt năm 2013 bất chấp nhu cầu tiêu dùng ảm đạm. Thế nhưng, bức tranh ngành bán lẻ năm 2014 không chỉ dừng lại ở "cuộc chiến" mở chuỗi, mà những đòi hỏi của thị trường và sự phát triển của ngành bán lẻ online đã đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp (DN) trong việc thay đổi cách thức và nâng cao chất lượng phục vụ các Thượng đế.

Ngay từ năm 2013, hầu hết các nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt Nam đều tuyên bố chiến lược mở điểm bán. Kẻ mạnh, lắm tiền nhiều của không chỉ đưa ra chiến lược ngắn hạn đến năm 2015, mà còn cả chiến lược dài hạn như LotteMart, Aeon, BigC, SaigonCo.op, Metro…, còn người ít vốn thì thận trọng hơn với những kế hoạch ngắn hạn.


Sắm thêm "nhà nhỏ"


Cuộc đua mở điểm bán được các chuyên gia dự báo chắc chắn sẽ sôi động hơn, đặc biệt với nhà bán lẻ nội, khi các DN này đang phải chạy đua nước rút để gia tăng thị phần trước khi nhà bán lẻ ngoại được chính thức thành lập 100% vốn tại Việt Nam vào đầu năm 2015. Theo đó, cuộc cạnh tranh về mặt bằng cũng sẽ khốc liệt hơn, với những vị trí đẹp, đắc địa, có mức giá phù hợp sẽ được "săn" nhiều nhất.


Tuy nhiên, theo Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ "dễ thở" hơn do nguồn cung đang có xu hướng tăng trong khi giá thuê giảm. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho các nhà bán lẻ dễ dàng chọn được điểm bán phù hợp và đẩy mạnh mở rộng hệ thống. Tuy nhiên, với xu hướng mới đang hình thành trong ngành bán lẻ, đó là sự kết hợp giữa siêu thị và cửa hàng tiện lợi, những điểm bán có quy mô nhỏ sẽ được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Kể cả những nhà bán lẻ đã khá thành công với mô hình này, như: Satra, Hapro, SaigonCo.op…;


những DN có quy mô nhỏ hơn như Citimart, Intimex..., hay là những đơn vị dù đã từng thất bại với mô hình này như Phú Thái, cũng đều có kế hoạch riêng để phát triển.


Ông Phạm Hà Đông, Tổng giám đốc Intimex, cho biết trong kế hoạch tái cơ cấu sắp tới của DN sẽ tập trung vào những siêu thị có diện tích phù hợp (dưới 2.000m²) và tận dụng thương hiệu Intimex để mở các cửa hàng tiện ích. Chiến lược này không chỉ phù hợp với xu thế phát triển, nhu cầu tiêu dùng nhanh, mà còn giúp nhà bán lẻ tiết giảm được chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn.



Còn theo ông Lâm Minh Huy, Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Citimart, áp lực mở cửa hoàn toàn vào năm 2015 khiến cho các DN phải củng cố hệ thống bán lẻ để đảm bảo sức cạnh tranh. Do đó, dù gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng song với 26 điểm bán hiện tại, DN này dự định sẽ mở thêm 70 điểm đến năm 2015, với ưu tiên trọng tâm là điểm bán có quy mô chỉ từ 1.000 – 2.000m².


Tính chuyện "kết hôn"


Việc đẩy mạnh mở rộng điểm bán mới đặt ra yêu cầu gia tăng chi phí quản lý, nhân sự và quản lý hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Lúc này, các nhà bán lẻ nội với tiềm lực vốn, kinh nghiệm còn hạn chế, sẽ phải tính tới chuyện tìm thêm "bạn đời" để "chia ngọt sẻ bùi". Cùng với đó, trước những rào cản về mở điểm phân phối thông qua kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), các "đại gia" ngoại cũng nhắm tới việc tìm những đồng minh nội nhằm làm bước đà thâm nhập thị trường và thực hiện chiến lược mở điểm bán.


Thực tế trong một vài năm gần đây, những cuộc "hôn phối" đầy tham vọng của mỗi bên được thực hiện cũng đã mang đến sắc thái mới cho ngành bán lẻ, khiến cho thị trường ngày càng sôi động hơn.


Thương vụ đình đám nhất trong năm 2012 phải kể đến là "ông lớn" SaigonCo.op đã bắt tay cùng NTUC FairPrice (Singapore) để mở 2 chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus, chính thức thâm nhập vào mảng bán buôn; và thương vụ rót 64 tỷ đồng của Tập đoàn Nojima (Nhật Bản) vào hãng điện máy Trần Anh.


Nhận định xu hướng này sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2014, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái và là Phó chủ tịch của AVR, cho rằng sức ép mở cửa hoàn toàn đang cận kề, nên cần có những chính sách "bật đèn xanh" cho những DN Việt Nam khi chọn được những đối tác tốt, nếu đối tác đảm bảo cam kết phát triển lâu dài, mang lại lợi nhuận cho các DN Việt Nam, thúc đẩy thị trường nội địa. Bởi từ năm 2015 và những năm sau, DN nước ngoài sẽ không muốn liên kết với DN Việt Nam vì sự khác biệt về vốn, quan điểm, công nghệ, chiến lược phát triển… Đây là cách để cơ hội cho DN nội học tập kinh nghiệm và phát triển.


Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, phần lớn các DN bán lẻ đều cho biết trong chiến lược đầu tư kinh doanh sắp tới, việc liên doanh đã được tính đến. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ nội rất thận trọng và tỉnh táo trước những nguy cơ, nên cân nhắc kỹ đến đối tác và kiểm soát cổ phần. Như với Intimex, ông Đông tiết lộ để đạt tăng trưởng 20% trong 2 năm tới, chuyện liên doanh sẽ được tính đến, nên hiện nhà bán lẻ này đang đàm phán với một số tập đoàn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đại diện của Intimex cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ thâu tóm là vấn đề được DN này quan tâm đến đầu tiên, vì vậy sẽ đảm bảo không để đối tác sở hữu quá 25% cổ phần.


Bắt kịp xu hướng


Cùng với sự phát triển của công nghệ, thì bán lẻ online bắt đầu khởi sắc đã trực tiếp đe doạ đến doanh thu của các nhà bán lẻ. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định mua bán online sẽ là một xu thế tất yếu khi 5 trang bán hàng trực tuyến hàng đầu Việt Nam luôn có lượng truy cập cao nhất so với các website khác trong khu vực.


Chủ tịch của AVR cũng cho rằng với sự phát triển của công nghệ và các hình thức thanh toán, bán lẻ trực tuyến nhiều khả năng sẽ bùng nổ và vì vậy, các nhà bán lẻ lớn sẽ phải tính đến chuyện kết hợp nhiều kênh khác nhau để thu hút khách hàng.


Thực tế cho thấy 2 năm trở lại đây, nhiều nhà bán lẻ đã tích hợp nhiều kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến để hút khách. Bên cạnh việc cải tạo, làm mới giao diện website giới thiệu hệ thống, sản phẩm và các chương trình khuyến mãi, các nhà bán lẻ đã tận dụng những tiện ích từ các trang mạng xã hội để lập các fanpage thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia để trao đổi về nhu cầu mua sắm và tiêu dùng, như: Co.opMart, LotteMart, Metro Cash & Carry, Hiway, Thế giới Di động, Nguyễn Kim... Hay với sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của smartphone, các nhà bán lẻ cũng bắt đầu tính đến chuyện bán hàng thông qua các ứng dụng và tiện ích. Các chuyên gia nhận định xu hướng tích hợp này sẽ được các nhà bán lẻ đẩy mạnh hơn trong năm tới để gia tăng thêm tính cạnh tranh và thu hút khách hàng.


Linh Nguyễn


Theo Thời Báo Kinh Doanh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á