Nhìn lại diễn biến của thị trường M&A thời gian qua, đặc biệt là năm 2013, các chuyên gia cho rằng thực sự đang có một sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển của nhiều nhà băng.
2013 được đánh giá là năm ít xáo trộn nhất trong hoạt động ngân hàng 5 năm trở lại đây, xét ở những biểu hiện và phản ứng trên thị trường. Đây cũng là năm ngành đã tạo nên những dấu ấn quan trọng, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho năm 2014.
Với chính sách điều hành tiền tệ hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm qua toàn hệ thống đã giảm được lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 – 2006; tỷ giá ổn định; thanh khoản cải thiện; dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với năm 2011; thị trường vàng đi vào khuôn khổ; tình trạng vàng hóa và dolla hóa được đẩy lùi. Đặc biệt, hoạt động tái cơ cấu ở các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ.
Dấu ấn tái cơ cấu
Đây là năm thứ hai hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình. Về cơ bản, tất cả 9 ngân hàng yếu kém xác định trong năm 2012 đã được xử lý, hoặc có phương án xử lý. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém (gồm 2 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) để triển khai đợt nối tiếp.
Cùng với việc hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thành PVcomBank, điểm nhấn của hoạt động M&A năm 2013 là sự kiện sáp nhập DaiABank vào HDBank - hai ngân hàng được đánh giá an toàn, lành mạnh và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc. HDBank còn gây ấn tượng với thương vụ mua lại 100% vốn Công ty Tài chính- Tiêu dùng SGVF (Cộng hòa Pháp) để trở thành công ty con của HDBank mang tên HDFinance. Như vậy, hoạt động tái cơ cấu diễn ra sôi động ở cả các đơn vị khỏe mạnh khác nhằm hướng tới một hệ thống tài chính ngân hàng lớn mạnh hơn, lành mạnh hơn theo đúng Đề án Tái cơ cấu các TCTD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài các trường hợp trên, một thương vụ khác cũng được thực hiện thành công là cổ đông cũ của TrustBank bán 85% cổ phần cho nhóm các cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh và 20 nhà đầu tư khác rồi đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; GPBank đón nhận đối tác UOB của Singapore vào khảo sát; NaviBank đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân. Một số ngân hàng đang tìm hiểu đối tác có quy mô tương đương để tiến hành hợp nhất hoặc sáp nhập; nhiều nhà băng đang tìm hiểu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để bán cổ phần như Sacombank, Eximbank, HDBank, MB, ABBank…
Mục tiêu phát triển bền vững cùng kế hoạch lạc quan
Các thương vụ M&A như Habubank sáp nhập vào SHB; hợp nhất ba ngân hàng SCB, FicomBank, TinNghiaBank hay DOJI mua 20% cổ phần TienPhongBank, PVFC hợp nhất với WesternBank thành PVcomBank đều đã tạo nên những dấu ấn quan trọng trên thị trường Tài chính- Tiền tệ.
Với các trường hợp không thuộc diện buộc phải tái cơ cấu, hoạt động M&A còn nhân lên nhiều kỳ vọng hơn nữa, không chỉ góp phần làm vững mạnh hệ thống mà còn tạo nên một định chế tài chính đạt chuẩn quốc tế. Như trường hợp của HDBank, sau khi mua lại SGVF và sáp nhập DaiABank, ngân hàng mới có vốn điều lệ lên tới 8.100 tỷ đồng, tổng tài gần 90.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động 210 điểm giao dịch khắp cả nước và trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam. So với năm 2012, năm 2013, tài sản của HDBank đã tăng thêm 25% và huy động vốn tăng tới 40%.
Nhìn về năm 2014, HDBank kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng tiếp 20% so với năm 2013 lên 105.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 25%, dư nợ tín dụng tăng 30%, nợ xấu kiểm soát dưới ngưỡng an toàn và đặc biệt kế hoạch lợi nhuận tới 1.140 tỷ đồng.
Lý giải cho mục tiêu này, lãnh đạo HDBank cho biết, ngân hàng sau sáp nhập sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển thành một ngân hàng đa năng, trước mắt sẽ tập trung phát triển mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ, phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân. Hơn nữa, việc sáp nhập DaiABank vào HDBank sẽ giúp HDBank thụ hưởng được đối tượng khách hàng thân thiết vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, công ty tài chính thành viên SGVF đã có sẵn các sản phẩm cho vay, 400 đối tác và 1.200 điểm liên kết kinh doanh cùng với kinh nghiệm từ một ngân hàng hàng đầu của châu Âu từ đó, từ đó HDBank sẽ mở rộng, phát triển về chất và lượng trong chiến lược bán lẻ.
Nhìn lại diễn biến của thị trường M&A thời gian qua, đặc biệt là năm 2013, các chuyên gia cho rằng thực sự đang có một sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển của nhiều nhà băng. Đó không chỉ là sự mạnh bạo nắm bắt các cơ hội, sẵn sàng vượt qua các rào cản trước mắt để hướng tới tương lai bền vững mà còn hướng tới xu hướng hội nhập thế giới.
Thành Hưng
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét