Đó là một nội dung được đề cập trong Chương trình đánh giá hệ thống tài chính Việt Nam (FSAP) của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.
Theo báo cáo, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân của các ngân hàng đã giảm từ 1,8% của năm 2007 xuống còn 0,5% trong năm 2012. Thậm chí con số 0,5%, theo WB và IMF, có vẻ là đã bị phóng đại do chất lượng số liệu tài chính còn thấp. Nói một cách khái quát hơn thì chất lượng số liệu tài chính thấp đã ảnh hưởng đến việc đo lường một cách chính xác hầu hết các chỉ số hiệu quả hoạt động như ROA, tỷ lệ nợ xấu và các hệ số vốn.
Yếu kém về số liệu bắt nguồn từ một số yếu tố như quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng, bao gồm cả việc phân loại các khoản nợ được tái cơ cấu, định giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy và phân loại một số tài sản nhất định là thanh khoản cần đặt dấu hỏi.
Thêm vào đó, còn có những quan ngại về việc xác định giá trị các tài sản phi tín dụng lớn trên bảng cân đối của các ngân hàng, đặc biệt là xác định chưa đầy đủ các khoản đầu tư (một số các khoản liên quan đến các nghiệp vụ nhằm báo cáo thấp nợ xấu) và thiếu minh bạch khi báo cáo về các hạng mục khác như các khoản phải thu.
Các tổ chức quốc tế đồng thời bày tỏ lo ngại về chất lượng danh mục cho vay và vốn của một số ngân hàng. WB và IMF cho rằng do những yếu kém về số liệu nên số liệu báo cáo tài chính đã được điều chỉnh trên cơ sở các giả định không chặt chẽ. Việc điều chỉnh như vậy đã làm cho nợ xấu tăng lên mức 12% vào cuối 2012 và làm giảm mạnh tỷ lệ an toàn vốn của một số ngân hàng. Kết quả kiểm định sức chịu đựng sử dụng các số liệu đã điều chỉnh cho thấy các ngân hàng có nguy cơ gặp phải rủi ro tín dụng và rủi ro tập trung cao.
Tùng Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét