Từ đầu năm 2014, nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã lần lượt được hé lộ. Các ngân hàng thương mại nhỏ về với nhau hoặc sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Những cái tên được nhắc tới nhiều trong kế hoạch sáp nhập này như: Sourthernbank, DongAbank, PGBank, VietABank, Sacombank, Eximbank.
Đánh giá về hiệu quả những thương vụ M&A mang lại, một chuyên gia về tài chính - ngân hàng nhận định: "Trong những năm vừa qua, rất nhiều việc sáp nhập nằm trong quá trình tái cơ cấu của ngân hàng Trung ương cũng đã giải quyết một số vấn đề cho các ngân hàng.
Sự hợp nhất của các ngân hàng ít nhất cũng tránh được sự đổ vỡ của các ngân hàng liên quan, và tránh cho ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng. Nó có tác động tốt cho trong thời gian vừa qua".
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc tái cơ cấu ngân hàng chỉ dựa vào việc sáp nhập các ngân hàng thì không ổn. Vì ngay cả những ngân hàng đã được sáp nhập trong quá khứ thì một vài ngân hàng đến giờ làm ăn vẫn "bết bát".Thành ra, việc tái cơ cấu như là "rượu mới bình cũ" mà thôi. Còn "cơ thể" của ngân hàng chưa cải thiện được.
"Hình như "chiếc áo mới" này làm cho bức tranh ngành ngân hàng sáng sủa hơn.Thế nhưng, vấn đề rủi ro của hệ thống, vấn đề nợ xấu, vấn đề quản trị của các ngân hàng chưa được cải thiện nhiều. Đâu đó vẫn còn trường hợp sở hữu chéo, đầu tư chéo, lợi dụng ngân hàng để phục vụ cho quyền lợi một cá nhân hay một tổ chức nào đó, gây thiệt hại cho xã hội", vị chuyên gia cho biết.
Để Đề án tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả, vị chuyên gia đề xuất: "Cho ngân hàng yếu kém giải thể đó là điều rất cần và rất nên thực hiện trong giai đoạn này. Chúng ta luôn lo sợ rằng, một ngân hàng phá sản sẽ tác động đến cả một hệ thống và có ảnh hưởng dây chuyền, nhưng cái lo tức thời đó không hợp lý".
Vị chuyên gia này lý giải: "Theo tôi tình trạng đó sẽ không xảy ra. Bởi một ngân hàng "chết" chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khác cũng như các doanh nghiệp, và chắc chắn sẽ thiệt hại đến nền kinh tế.Nhưng không có nghĩa là một ngân hàng "chết" thì cả hệ thống sẽ sụp đổ. Theo đó, lý luận nói rằng không để các ngân hàng sụp đổ vì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống là điều không hợp lý.
Ngược lại, nếu để cho các ngân hàng phá sản thì đó mới là tái cơ cấu ngân hàng. Vì mục đích cuối cùng là để thị trường loại bỏ được những ngân hàng yếu kém. Điều này tương tự như trong đời sống sinh học, những loài sinh vật yếu kém sẽ tự bị thiên nhiên đào thải.
Trong môi trường thực tế cũng vậy, các phần tử mạnh sẽ sống tốt, phần tử yếu sẽ bị thị trường đào thải. Chúng ta nên để thị trường đào thải mà không sợ vấn đề đổ vỡ. Có thể đổ vỡ một ngân hàng sẽ gây thiệt hại một phần nào, mình chấp nhận đây là cái giá phải trả thay vì cứ ôm nó để đến cuối cùng thiệt hại còn gấp nhiều lần hơn thế. Và hiện tại tôi đang nhìn thấy cái thiệt hại đó".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét