Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Hai ngả tái cấu trúc trên thị trường chứng khoán

Hai ngả tái cấu trúc trên thị trường chứng khoán


Sau thương vụ hợp nhất đầu tiên giữa CTCK MBS và VITS, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định hợp nhất CTCK thứ hai giữa VISecurities và CTCK Đại Tây Dương và sắp tới sẽ xem xét vụ M&A thứ ba giữa CTCK Sen Vàng - APEC.


VISecurities có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, còn của CTCK Đại Tây Dương là 135 tỷ đồng, nhưng sau hợp nhất, CTCK mới chỉ có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Khoản vốn điều lệ sụt giảm là để làm sạch lỗ lũy kế của các CTCK trước hợp nhất, đưa DN sau hợp nhất trở về trạng thái sạch nợ.


Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252/2012/QĐ-TTg xác định chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, trong đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng giảm số lượng công ty, tăng quy mô hoạt động và tăng năng lực tài chính. Thực thi quyết định này, nhiều CTCK đã có sự thay máu cổ đông, tìm kiếm đối tác M&A, giải thể… để đến nay, từ 105 công ty, giảm xuống còn trên 80 CTCK có hoạt động môi giới. Cùng với đó, bắt đầu từ năm 2014, UBCK chính thức xếp loại CTCK theo tiêu chí CAMEL, để theo dõi sát sao và có hướng xử lý phù hợp với từng nhóm CTCK.


Cũng là tổ chức tài chính trung gian trên TTCK, nhưng với khối công ty quản lý quỹ, định hướng tái cấu trúc của Thủ tướng không yêu cầu phải thu hẹp số lượng, mà yêu cầu tạo điều kiện, khuyến khích việc tái cơ cấu hệ thống công ty quản lý quỹ theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng các quy định để đảm bảo an toàn tài chính và vốn khả dụng. Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo khuyến khích các công ty quản lý quỹ phát triển các loại hình quỹ đầu tư đa dạng, các sản phẩm liên kết đầu tư nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty quản lý quỹ.


Con đường tái cấu trúc khối CTCK và công ty quản lý quỹ, vì thế có những điểm khác biệt. Trong khi khối CTCK tái cấu trúc theo hướng đổi chủ và tập trung tìm đối tác hợp nhất, sáp nhập, thì khối công ty quản lý quỹ, tái cấu trúc chủ yếu là “sang tên, đổi chủ”, chưa có thương vụ hợp nhất, sáp nhập nào diễn ra. Thống kê cho thấy, có hàng chục thương vụ giao dịch lượng lớn cổ phần (giao dịch từ 10% trở lên) trong ngành quỹ được UBCK chấp thuận.


Kể từ năm 2008 đến nay, UBCK không cấp phép thêm bất kỳ CTCK nào ra đời, mà tập trung mạnh vào công tác tái cấu trúc các CTCK hiện có. Trong khối công ty quản lý quỹ, với 47 công ty ra đời tính đến năm 2008, đến nay chỉ có 2 công ty mới được cấp phép, đó là Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ ACE LIFE, ra đời tháng 10/2013 và Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam ra đời vào tháng 2/2014.


Sau quá trình dài tái cơ cấu, TTCK Việt Nam hiện còn trên 80 CTCK đang hoạt động, phần còn lại có tên, nhưng “bất động”. Khối công ty quản lý quỹ có 49 công ty, nhưng chỉ có khoảng 50% số công ty quản lý quỹ có lãi, phần còn lại hoạt động yếu ớt, trông chờ sự thay máu cổ đông để có thể tồn tại cùng thị trường.


Người quan sát




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á