Chi tiền tỷ để thành cổ đông lớn
CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT ngày 16/9/2014 về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2014 và thông qua chiến lược phát triển 2014-2019. Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua TSC đã phát hành riêng lẻ thành công 7,5 triệu CP cho CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) thu về 75 tỷ đồng. Sau đợt phát hành riêng lẻ này, FIT chính thức là cổ đông lớn nắm giữ 47,43% vốn điều lệ TSC.
Song song đó, FIT cũng đăng ký mua thêm 2,8 triệu cổ phần TSC với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Hay mới đây, thông tin CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) và CTCP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) đã đăng ký mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Cụ thể, VIC đăng ký mua 10% vốn điều lệ (50 triệu CP) và VID đăng ký mua 14% (70 triệu CP) vốn cổ phần của Vinatex (5.000 tỷ đồng).
Có thể nói, việc VIC và VID trở thành đối tác chiến lược của Vinatex là điều khá bất ngờ khi mà trước đó, tập đoàn này đã cho biết sẽ tìm đối tác chiến lược là NĐTNN. Trước đó, VIC đã thành lập CTCP VinFashion với vốn điều lệ 20 tỷ đồng (VIC nắm 70%) chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thời trang và Công ty TNHH Vine-Com với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng (VIC giữ 70% vốn điều lệ). Như vậy, việc mua cổ phần của Vinatex rất có thể là một bước đi của VIC trong tiến trình thâm nhập sâu vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều NĐT cá nhân cũng mạnh tay mua cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn, bà Phạm Thị Hải Ninh chi hơn 65 tỷ đồng để mua vào hơn 2,8 triệu cổ phần (tương đương 16,29% vốn điều lệ) của CTCP Nông dược H.A.I (HAI) và chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Giao dịch hoàn thành vào ngày 5-9, đúng vào ngày SCIC tuyên bố đã bán thỏa thuận toàn bộ số lượng CP HAI mà SCIC nắm giữ, nên nhiều khả năng bà Hải Ninh đã nhận chuyển nhượng số lượng cổ phần nói trên từ SCIC. Nổi bật nhất là sự kiện 19 NĐT cá nhân có ý định bỏ ra hơn 540 tỷ đồng để mua lại toàn bộ CP chưa bán hết của CTCP Tập đoàn FLC (FLC).
Tận dụng cơ hội
Đã có rất nhiều thương vụ M&A tiêu biểu trong thời gian gần đây mà đối tượng đi thâu tóm là những doanh nghiệp nội. Đơn cử như HDBank mua lại 100% Công ty Tài chính Việt Socíeté Générale (SGVF), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) mua 70% cổ phần của Driftwood Dairy tại Hoa Kỳ, CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) mua CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC). |
Vậy đâu là động lực chính để các NĐT nội đẩy mạnh vào các hoạt động M&A hay mua cổ phần để trở thành cổ đông lớn của các doanh nghiệp. Yếu tố đầu tiên có thể nói đến là mức giá. Theo thống kê, mức giá các NĐT bỏ ra để sở hữu doanh nghiệp vẫn đang ở mức thấp dù TTCK liên tục tăng điểm trong thời gian gần đây.
Đơn cử là trường hợp của TSC, mức giá doanh nghiệp này chào bán cho FIT là 10.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với thị giá CP TSC lúc bấy giờ (trên 23.000 đồng/CP). Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Vina Capital, với thị trường hiện đang giao dịch ở tỷ lệ P/E 14x và mức độ tăng trưởng lợi nhuận hứa hẹn của một số công ty blue chip, việc đầu tư vào một công ty đang niêm yết đôi khi sẽ tốt hơn việc tham gia IPO vào một doanh nghiệp nhà nước với P/E có thể lên đến 20x và chỉ được niêm yết sau một vài năm.
Một yếu tố quan trọng khác chính là cơ hội đầu tư trong các thương vụ này. Hiện room NĐTNN tại các doanh nghiệp vẫn đang giữ ở mức 49% nên khối ngoại vẫn chưa thể nâng mức sở hữu tại các doanh nghiệp. Từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội thâu tóm các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Có thể dẫn chứng về nhận định này qua thương vụ VIC bỏ 550 tỷ đồng mua cổ phần Vinatex. Nếu thực sự tham gia vào lĩnh vực này, VIC sẽ có lợi thế lớn từ hệ thống trung tâm thương mại cao cấp ở nhiều tỉnh thành lớn và quan hệ kinh doanh với các thương hiệu thời trang bán lẻ hàng đầu thế giới. Song song đó, với sức mua nội địa lớn và đang tăng trưởng nhanh, đây thực sự là một mảng đầu tư nhiều tiềm năng đối với VIC trong dài hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét