Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

IPO lần đầu cổ phần Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex): Nhà đầu tư ngoại mua 50% cổ phần

IPO lần đầu cổ phần Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex): Nhà đầu tư ngoại mua 50% cổ phần


Đúng như dự đoán của giới đầu tư, toàn bộ số cổ phần (110,5 triệu cổ phiếu) dự kiến IPO lần đầu ra công chúng của Vinatex đã được đấu giá thành công sáng 22.9 (như Lao Động đã đưa tin ngày 23.9).


Sự kiện này được nhận định rất thành công trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Sau phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho Lao Động biết: Việc CPH Vinatex được kỳ vọng mang lại nhiều bứt phá cho tập đoàn này trước thềm hội nhập các Hiệp định thương mại mà VN đang đàm phán và dự kiến ký kết trong năm nay là FTA và TPP. Nhiều khả năng từ năm 2015, xuất khẩu dệt - may VN sẽ bùng nổ.


Vinatex sẽ là tập đoàn đa sở hữu


Theo Quyết định phê duyệt phương án CPH Cty mẹ - Vinatex được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần (CP), Vinatex sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu gần 122 triệu đơn vị, tương đương 24,4% vốn điều lệ và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn. Dự kiến, sau khi phát hành, cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ của Vinatex, người lao động nắm 0,6%. Trong điều kiện thị trường thuận lợi, Chính phủ cho phép Vinatex được bán tiếp vốn nhằm giảm sở hữu nhà nước xuống dưới 51%.


Tại phiên IPO Vinatex, có 87 nhà đầu tư đăng ký đấu giá, trong đó có 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 18 cá nhân nước ngoài, 3 tổ chức trong nước và 12 tổ chức nước ngoài tham gia đấu giá 110,5 triệu CP, tương ứng với hơn 90% lượng CP chào bán (121.999.150 CP). Mức giá cao nhất được đặt mua là 12.000 đồng/CP với khối lượng chỉ 200 đơn vị và mức giá đặt mua thấp nhất là 11.000 đồng/CP với phần lớn khối lượng được đấu giá. Kết thúc phiên đấu giá, có 55 triệu CP Vinatex thuộc về tay các nhà đầu tư ngoại, ứng với 50% cổ phần được mua.


Với mức giá bình quân IPO thành công là 11.000 đồng/CP, Vinatex thu được 1.216 tỉ đồng. Sau IPO, Tập đoàn đã có cơ cấu vốn nhà nước chiếm 51%, 24% của nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác. Trước đó, 2 nhà đầu tư chiến lược ký hợp đồng mua CP Vinatex trong đợt IPO là Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) sẽ mua 50 triệu CP ứng với 10% vốn, và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (V.I.D) mua 70 triệu CP tương đương 14% vốn.


Ông Lê Tiến Trường - thành viên HĐTV, TGĐ Vinatex - cho biết: Sau IPO, Vinatex đã định lộ trình 3 năm sau sẽ niêm yết trên các sàn giao dịch, bởi Vinatex muốn hoàn thiện quá trình tái cấu trúc, hoàn thiện chuyển dịch mô hình sản xuất sang phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) thành công và ổn định đội ngũ quản lý trước khi niêm yết. Về định hướng kinh doanh, Vinatex hướng tới hoạt động theo mô hình đa ngành, đa sở hữu với lĩnh vực cốt lõi là ngành dệt - may. Tập đoàn sẽ chỉ sở hữu 51 - 65% các đơn vị thành viên nằm trong chuỗi ODM, còn các đơn vị khác sẽ giảm dần tỉ lệ sở hữu xuống khoảng 30%.


Cơ hội lớn cho Vinatex


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sự kiện IPO Vinatex được đánh giá là thành công do ngành dệt - may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, thu hút ngoại tệ nhờ kim ngạch XK lớn nhất, nhì cả nước. Năm 2013, XK toàn ngành đạt 20,6 tỉ USD và dự kiến trong năm nay, XK dệt - may sẽ đạt 24 tỉ USD, dẫn đầu kim ngạch XK cả nước. Nhiều kỳ vọng IPO sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt - may VN trước thềm các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà VN đang ký kết như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.


Việc chọn 2 nhà đầu tư chiến lược VIC và V.I.D không chỉ mang đến cơ hội tăng thêm nguồn lực tài chính cho Vinatex, mà còn kỳ vọng sẽ giúp Vinatex nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị cung ứng để tăng giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút ngoại tệ, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích trong chiến lược tổng thể phát triển ngành dệt - may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Báo Lao Động




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á