Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên 'tích cực'

Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên 'tích cực'


Moody's Investors Service vừa tiến hành một loạt động thái tích cực đối với xếp hạng và triển vọng tín nhiệm của 6 ngân hàng Việt Nam chủ yếu nhờ sự ổn định của môi trường hoạt động.


Trong thông báo ngày 22/09, Moody's cho biết tổ chức này đã nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm của VIB lên mức “B2” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank ở mức “B3” đồng thời nâng triển vọng của 5 ngân hàng này lên “tích cực”.


Cụ thể, Moody’s nâng Xếp hạng Sức mạnh Tài chính Ngân hàng (BFSR) của VIB từ “E” lên “E+”, tương ứng Xếp hạng Tín dụng Cơ sở (BCA) là b3 (trước đó là caa1). Cùng lúc, Moody’s nâng xếp hạng tiền gửi của VIB từ “B3” lên “B2”, triển vọng “ổn định”.


Moody’s cho biết, hệ số vốn cấp 1 theo công bố vào tháng 6/2014 của VIB là 16.3%, mức cao nhất trong số các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm. Điều này cho thấy khả năng giải quyết thua lỗ tốt hơn của VIB. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có thanh khoản rất tốt khi tiền mặt và trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng 25% tài sản.


Liên quan đến 5 ngân hàng còn lại, Moody’s cho biết nguyên nhân triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng này được đánh giá ở mức “tích cực” là nhờ sự cải thiện của hoạt động quản trị doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro và các số liệu tín dụng. Các yếu tố này đã nâng cao khả năng hưởng lợi từ môi trường hoạt động tốt hơn của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, Moody's cũng giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VietinBank (CTG), BIDV (BID) ở mức “B1” và của SHB ở mức “B3”. Triển vọng của 3 ngân hàng này vẫn được Moody’s giữ nguyên ở mức “ổn định”.


Bên cạnh sự ổn định của môi trường hoạt động, một nhân tố quan trọng khác dẫn đến động thái tích cực của Moody’s đối với các ngân hàng Việt Nam là sự cải thiện đúng như kỳ vọng của các chuẩn mực bảo lãnh phát hành, xuất phát từ hoạt động quản trị tốt hơn và khẩu vị rủi ro thấp hơn tại một số ngân hàng.


Các nhân tố này đã làm giảm mức độ ảnh hưởng của các tài sản có vấn đề mới trong bảng cân đối kế toán ngân hàng, hơn nữa còn nâng cao triển vọng phục hồi của các tài sản có vấn đề.


Moody's cho biết dù tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại nhưng Việt Nam đã ổn định được lạm phát dưới mức 7.5%. Kết quả này đã cho phép Ngân hàng Nhà nước hạ các mức lãi suất chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó vào đầu năm nay, lãi suất tái cấp vốn đã giảm còn 6.5% từ mức 9% vào cuối năm 2012.


Thông thường, lãi suất thấp hơn là yếu tố tích cực đối với các ngân hàng Việt Nam vì điều này làm giảm gánh nặng nợ đối với những người đi vay ngân hàng.


Theo Moody’s, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng đã nâng cao thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam. Trong bối cảnh hoạt động gửi tiền tăng trưởng nhanh hơn hoạt động cho vay, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) tại thời điểm tháng 6/2014 đã cải thiện và đạt 82%, thấp hơn so mức 87% trong cùng kỳ 2013.


Tuy nhiên, bất chấp sự ổn định của môi trường hoạt động và những diễn biến tích cực liên quan đến tình hình tín dụng của các ngân hàng, Moody’s lưu ý rằng các ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn về tín dụng và cần có thời gian để giải quyết vấn đề này. Các thách thức đó là nợ xấu thực tế cao hơn so với công bố và khả năng chịu đựng thua lỗ không tốt do dự phòng thua lỗ cho vay thấp cũng như khả năng sinh lời yếu.


Tiếp tục cập nhật…


Theo Vietstock




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á