Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Soi dòng tiền tương lai

Soi dòng tiền tương lai


Sau những đợt rung lắc mạnh, thị trường có dấu hiệu "đổi trụ", phát đi cảnh báo cần thận trọng.


Niềm tin NĐT và triển vọng TTCK cải thiện, dòng tiền tăng giúp thanh khoản cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu để ý NĐT thấy rằng lựa chọn đầu tư của nhiều tổ chức lớn đã có sự chuyển hướng. Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), rủi ro "trả giá" đã xuất hiện ở nhiều phiên, nên NĐT cần xem xét triển vọng dòng tiền tương lai của DN ngay bây giờ.


Lấy cổ phiếu PXS làm thí dụ. Đây là mã tăng giá nổi bật nhất nhóm cổ phiếu dầu khí, nhưng theo chia sẻ của chuyên viên ngành tại VDSC, giá cổ phiếu tăng khá mạnh trong thời gian gần đây do sự kỳ vọng của NĐT ngày càng gia tăng, khi hàng loạt dự án có giá trị lớn sắp được DN ký kết. Bên cạnh đó, PXS còn tham gia thêm một dự án đóng giàn khoan do đối tác nước ngoài MCPECOM làm tổng thầu EPC, trong đó giá trị của các hạng mục có PXS tham gia dao động từ 20-40 triệu USD, thời gian thực hiện từ đầu năm 2015 và kéo dài khoảng 14 tháng.


Theo chia sẻ của DN, hợp đồng trên hiện tại chưa được ký kết và trong nay mai, DN sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên của quá trình đàm phán. Nếu hợp đồng này được ký kết, ước tính doanh thu năm 2015 của PXS sẽ tăng mạnh (hơn 50% so với ước tính doanh thu 2014 là 1.658 tỷ đồng đã đề cập trong các báo cáo trước đây). Như vậy, có thể kỳ vọng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ có sự tăng trưởng nối tiếp trong các năm sau. Tuy nhiên, chuyên viên ngành của VDSC vẫn khá thận trọng đối với vùng giá hiện tại của PXS, bởi P/E dự phòng cho năm 2014 đã khá cao, hơn 15x và cao hơn các DN cùng ngành.


Trường hợp "tăng trần" thứ hai thuộc về cổ phiếu FCM. Theo thông tin công bố, FCM vừa trúng thầu cung cấp cọc cho dự án Nhiệt điện Thái Bình trị giá 300 tỷ đồng. Cùng với đó là triển vọng tăng trưởng sau khi FCM hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhà máy Fecon Nghi Sơn lên 51,5%, với những dự án lớn đang được triển khai như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số dự án của Tập đoàn FLC. Theo đánh giá sơ bộ, hợp đồng mới có thể giúp FCM hoàn thành được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của năm 2014, đồng thời NĐT lạc quan về triển vọng năm sau nếu FCM có thể tham gia được một phần việc vào các dự án đang triển khai tại Thanh Hóa.


Ở một khía cạnh khác, nhiều NĐT đã bắt đầu nhận thấy cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS quay trở lại, cho dù diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này đã không còn nóng sốt như các tháng 6, 7. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, CTCK Maybank KimEng, Thông tư 08 về nhà ở xã hội khiến phân khúc có quy mô nhỏ và vừa tiếp tục thu hút khách…


Tương tự, theo báo cáo tổng hợp của CTCK Vietcombank (VCBS), 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch BĐS thành công tăng cao, đạt hơn 4.000 giao dịch tại Hà Nội và 4.100 giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Tính ra, tỷ lệ hấp thụ tại 2 thị trường này đều tăng mạnh ở mức 17% tại TP. Hồ Chí Minh và 14% ở Hà Nội. Với lượng tiêu thụ cải thiện đó, tổng giá trị hàng tồn kho ở thị trường BĐS đã giảm 35% so với cùng kỳ 2013.


Điển hình cho sự trở lại cổ phiếu BĐS rơi vào 2 cổ phiếu là ITA và KBC. Trong mấy ngày vừa qua, việc tăng giá của hai cổ phiếu này sát với nhận định của giới chuyên môn về triển vọng tăng trưởng của các DN BĐS thuộc lĩnh vực khu công nghiệp (KCN). Trong đó, khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong nửa cuối năm của ITA được chuyên viên ngành đánh giá cao sau thông tin tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang ở mức cao và tính đến hết tháng 8/2014, ITA đã hoàn thành gần 100% kế hoạch cả năm.


Rõ ràng, thị trường đang lưỡng lự nhưng trong đó sẽ có những câu chuyện rất riêng giúp NĐT có thể dễ thấy dòng tiền đang đi trước để nắm bắt các cơ hội trong thời gian còn lại của tháng 9 này. Mặc dù vậy, NĐT chỉ nên lựa chọn cổ phiếu mình am hiểu hoặc kiên nhẫn để không là người cuối cùng trên con sóng của các cổ phiếu nóng.


KIM


Theo Thời Báo Ngân Hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á