Luôn đặt mục tiêu
Điều gì khiến chị bén duyên với ngành du lịch?
Tôi xuất thân là tiếp viên hàng không nên đi nhiều nơi, biết được nhiều nước. Tôi đã lập gia đình, chồng tôi là người Israel và chúng tôi đã có con.
Năm 2006, tôi nghỉ làm tiếp viên lúc mang bầu đứa con đầu, cũng là lúc hãng Hàng không Israel đang tìm người làm đại diện tại Việt Nam. Khi đó, tôi được chồng khuyến khích và thực tế đây là cơ hội tốt nên cũng muốn thử sức.
Người ta nói, tự tin đã là thành công một nửa. Tuy nhiên, chị làm thế nào xoay sở khi vừa phải chuẩn bị sinh em bé vừa… sinh công ty?
Đúng là khi đó cũng rất kẹt, nhưng tôi không suy nghĩ gì nhiều. Cơ hội đến thì nắm bắt, tôi cũng có một may mắn nữa là được chồng ủng hộ, động viên và hỗ trợ tài chính trong thời gian đầu.
Cũng may là từ bé tôi đã có thói quen của một người làm việc gì cũng có mục đích nên khi bắt tay vào công việc mới mẻ này, tôi đã xác định tiêu chí của mình là phải làm để khẳng định mình có thể làm được.
Cái gì không biết thì tôi học hỏi, cái gì mới thì phải bắt tay vào làm. Mình phải làm để biết và hướng dẫn lại cho nhân viên của mình nữa. Còn nếu thiếu những trải nghiệm thực tế, không sớm thì muộn công ty cũng thất bại.
Khi mục tiêu đã rõ ràng, tôi không ngại khó khăn, vất vả. Ngay cả xin hồ sơ thành lập công ty tôi cũng tự đi làm dù rất mất thời gian với các loại thủ tục giấy tờ, nhưng cuối cùng tôi cũng có giấy phép thành lập công ty.
Có phải vì chồng chị là người Israel nên đó là một lợi thế để chị có được những mối quan hệ đắc lực hỗ trợ trong mảng kinh doanh mới mẻ này?
Đúng, nhưng… chỉ một nửa! Anh ấy có nhiều bạn bè sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Tuy nhiên, trong kinh doanh nếu tôi chỉ là phụ nữ đẹp và tận dụng những mối quan hệ sẵn có thì cũng chỉ dễ dàng tiếp cận được khách hàng thôi. Điều đó không đủ để khách hàng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ lâu dài. Mình phải có khả năng, có sự khác biệt thì người khác mới có thể tin tưởng hợp tác, làm ăn lâu dài được.
Vậy chị đã làm gì để các đối tác tin tưởng vào khả năng đặc biệt của chị?
Vừa sinh em bé khoảng 20 ngày là tôi đã bắt tay vào công việc. Lúc đó, tôi có động lực mạnh mẽ để vừa nuôi con và vừa xây những viên gạch đầu tiên cho công ty. Tôi xác định rõ ràng là giám đốc, là chủ doanh nghiệp nên tôi không cho phép mình mơ màng!
Tôi đặt mục tiêu thiết thực: công ty bán vé máy bay trước rồi sau này mới phát triển mảng du lịch. Ban đầu tôi chỉ tuyển một nhân viên làm việc bán vé. Tôi với cô nhân viên của mình cùng đi học để nắm bắt công việc bán vé máy bay là như thế nào, cách thức tiến hành ra sao, làm sao để công ty và khách hàng cùng có lợi…
Tôi đi thuyết phục các đại lý du lịch, tự nghiên cứu, tổng hợp thông tin, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Israel và Việt Nam với tất cả nhiệt huyết của bản thân. Kết quả là ngay trong năm đầu tiên, công ty đã bán được 500 vé máy bay, một con số mà chính đại diện của Hãng Hàng không Israel cũng hết sức bất ngờ.
Bí quyết bán hàng của chị là gì?
Bán đúng cái khách hàng cần!
Tôi vẫn thường nói với các nhân viên là làm trong ngành dịch vụ thì phải hết sức chi tiết và xem trọng việc chăm sóc khách hàng. Có được kinh nghiệm đó là khi làm tiếp viên hàng không, tôi đã luôn ý thức được những sản phẩm, dịch vụ mà mình phục vụ cho khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài luôn bao gồm hình ảnh của đất nước và con người nơi họ sẽ tới.
Khi mở thêm mảng kinh doanh du lịch, tôi cũng tự lượng sức mình: làm ít mà “chất”, chỉ nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp, cung ứng dịch vụ tương xứng, đặc biệt không được phép mắc sai lầm, làm xấu hình ảnh của Việt Nam. Những gì mình cam kết với khách hàng thì phải phải làm đúng để giữ uy tín.
Đừng tham lam!
Những doanh nhân thường rất tâm huyết, say mê với công việc và cơ hội kiếm tiền. Chị tự nhận thấy mình thế nào?
Tôi có đam mê và một khi làm việc gì cũng đặt ra mục tiêu, mục tiêu và mục tiêu. Tuy nhiên tôi biết lượng sức mình, chỉ làm trong khả năng và làm đúng cái mình có thế mạnh nhất.
Đó là lí do công ty du lịch của chị chỉ chọn phân khúc khách trung lưu?
Khi khởi sự kinh doanh mảng du lịch tôi nghĩ rất đơn giản, đã có hàng trăm công ty lớn bé tham gia thị trường rồi, mình phải chọn con đường khác biệt và ít cạnh tranh nhất. Nam Mỹ là vùng đất tôi chưa từng khám phá và nó đầy mới mẻ để tôi chọn là mục tiêu chinh phục. Do vậy tôi tiến thẳng tới Nam Mỹ.
Tôi đi nhiều nơi, gặp đối tác, tìm khách hàng ở Nam Mỹ để giới thiệu với họ về Việt Nam. Tôi là người Việt Nam; tôi yêu Việt Nam và tôi giới thiệu Việt Nam cho khách nước ngoài theo đúng cách mà tôi cảm nhận.
Tôi chọn lọc những điểm đến, những giá trị văn hóa, thiên nhiên ở những vùng miền mà tôi biết rõ để thuyết phục khách nước ngoài. Tôi cũng bán luôn trọn gói tour Việt Nam, Lào và Campuchia. Mình làm như thế họ sẽ vui và thích thú hơn. Việc còn lại là tôi cam kết làm đúng những gì đã nói.
Chị xông xáo như thế, làm việc hăng hái nữa… Điều gì giúp cho chị có nhiều năng lượng như vậy, trong khi, như chị nói, công việc kinh doanh của công ty trong 1-2 năm đầu hầu như không có lời?
À, đơn giản thôi. Khi mình đam mê thì làm việc cũng có cảm giác như đi chơi, còn nếu làm việc mà thiếu sự đam mê, lại không thấy hiệu quả dĩ nhiên sẽ rất mau nản. May mắn là ngay từ ban đầu tôi không bị áp lực về tiền bạc, chồng tôi ủng hộ mọi vấn đề về tài chính. Vậy là tôi yên tâm thực hiện khát vọng khám phá, lao vào công việc kinh doanh với sự hưng phấn cao độ.
Đó là lời chia sẻ của chị đối với những doanh nhân mới khởi nghiệp?
Cũng đúng. Nhưng nói đến khởi nghiệp thì cần nhìn nhận nghiêm túc hơn. Tôi nghĩ rằng, các doanh nhân mới khởi nghiệp cần phải chuẩn bị tài chính đầy đủ trong 5 năm thì hãy nghĩ đến làm doanh nghiệp, vì nếu tài chính không mạnh sẽ dễ dàng bị phá sản.
Thật ra thời gian 5 năm không phải là nhiều, vì 2 năm đầu là để doanh nghiệp ra thương trường và trải nghiệm. Năm thứ 3, doanh nghiệp nếu còn trụ được thì phải xoay sở kiếm tiền chi trả cho thuê mặt bằng, nhân viên… Năm thứ tư, phải tiếp tục nghĩ đến kiếm tiền trang trải các chi phí và làm thương hiệu. Tạm ổn và vững vàng rồi thì năm thứ 5 doanh nghiệp mới có lời.
Trong cuốn sách nói về đất nước Israel, nơi có nhiều doanh nhân khởi nghiệp và nhiều công ty start-up nhất, chị có nói rằng, nhiều doanh nhân của Việt Nam vẫn chỉ “cố gắng vừa vừa”. Chị có muốn nói thêm gì về điều này?
Tôi không nói tất cả doanh nhân Việt đều như vậy. Cũng có nhiều người làm việc vất vả, nỗ lực vô cùng. Tuy nhiên, những gì tôi nhìn thấy ở đất nước Israel là những công ty nhỏ, những doanh nghiệp nhỏ làm việc hết sức siêng năng và hiệu quả. Họ làm việc miệt mài đến khuya. Họ phấn đấu liên tục và bền bỉ, kiên trì với mục tiêu.
Điều kiện thiên nhiên của Israel khắc nghiệt hơn Việt Nam, nhưng họ là một quốc gia có nhiều sáng kiến và có nền nông nghiệp tiến tiến mà chúng ta cần học hỏi. Một điểm đáng khâm phục nữa là họ dù có giàu có nhưng vẫn rất tiết kiệm.
Phải biết thứ tự ưu tiên
Chị nói rằng, thích công ty nhỏ, quản lý theo kiểu gia đình. Vậy có bao giờ chị bị thôi thúc phải bứt phá, phát triển công ty của mình lớn mạnh hơn?
Điều này tùy vào tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp. Cá nhân tôi thích quản lý công ty nhỏ, nhưng phải mạnh. Muốn vậy phải có sự khác biệt.
Ngoài ra, tôi nghĩ vấn đề quan trọng hơn đó là mục tiêu trong cuộc đời của mỗi người. Tôi vẫn muốn giữ công ty như một gia đình. Ở thời điểm này, 3 đứa con tôi vẫn còn nhỏ và tôi muốn dành thời gian chăm sóc con nhiều hơn.
Đôi khi áp lực công việc làm mình trở nên cau có, gắt gỏng, thiếu kiên nhẫn với con. Sau đó nghĩ lại, thấy mình thật vô lý. Tôi muốn việc kinh doanh và gia đình phải luôn ở mức cân bằng có thể kiểm soát được không nên vì quá mải mê việc mà làm không khí gia đình mất vui. Mỗi người phải biết tự lượng sức mình, không thể ôm đồm, tham lam quá.
Nghe giọng thì có lẽ chị là một người Hà Nội?
Đúng vậy. Tôi vào TP.HCM từ năm 1994.
Phần lớn người miền Bắc vào TP.HCM kinh doanh, lập nghiệp đều khá thành công. Chị có ấn tượng gì về thành phố phương Nam này?
Tôi thích phong cách người Sài Gòn vì tôi cũng là người thẳng tính. Khi vào Sài Gòn tôi đã nhìn thấy thành phố này rất hay, rất năng động và có rất nhiều cơ hội để kinh doanh.
Hà Nội là thủ đô nên thuận lợi để phát triển chính trị, văn hóa, ngoại giao, du lịch…. Còn TP.HCM thì phát triển kinh doanh, thương mại tốt hơn. Sài Gòn trước đây hay TP.HCM bây giờ vẫn là trung tâm kinh tế.
Tôi còn phát hiện ra, người Israel giống người Hà Nội ở điểm họ rất chăm chỉ, tiết kiệm. Họ giàu nhưng vẫn rất tiết kiệm.
Chị có bao giờ nghĩ mình sẽ về Hà Nội?
- Tôi vẫn về Hà Nội trong những chuyến đi nghỉ ngắn ngày. Còn TP.HCM đã là nơi tôi sinh sống, làm việc, có con cái, gia đình. “Nơi nào thân thương thì đó chính là nhà” mà.
Cảm ơn chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét