Tại các công ty cổ phần đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, nếu không bán hết số cổ phần chào bán trong 3 tháng, thì chủ sở hữu vốn Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước ngày xác định giá điều chỉnh để bán giá thỏa thuận.
Giá thỏa thuận phải trong biên độ giao dịch trong ngày
Đó là một trong những nội dung tại dự thảo Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn Nhà nước tại DN do Bộ Tài chính hoàn thiện, trình Chính phủ để sớm ban hành.
Theo đó, tại các công ty cổ phần đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM, việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp thực hiện giao dịch thỏa thuận qua sở giao dịch chứng khoán/sàn giao dịch UPCOM thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.
Sau khi tổ chức bán theo quy định như trên, mà không bán hết số cổ phần chào bán trong vòng 3 tháng kể từ ngày đầu tiên thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thì chủ sở hữu vốn nhà nước theo phân cấp quy định xem xét, quyết định điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước ngày xác định giá điều chỉnh để bán thỏa thuận. Trường hợp công ty cổ phần mới niêm yết chưa đủ 15 ngày thì xác định từ thời điểm bắt đầu niêm yết đến ngày xác định giá điều chỉnh.
Trường hợp bán thỏa thuận theo quy định nêu trên với mức giá ngoài biên độ giá giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán/Sàn giao dịch UPCOM, DN có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biết trước khi thực hiện giao dịch.
Giảm giá tối đa không quá 10% giá khởi điểm
Tại công ty cổ phần chưa niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM, DN tổ chức triển khai bán cổ phần theo hình thức đấu giá công khai theo quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định này.
Mức giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá thực hiện theo nguyên tắc quy định: Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai do chủ sở hữu quyết định trên cơ sở kết quả của tổ chức có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo quy định.
Trong trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán thì chủ sở hữu vốn Nhà nước xem xét, quyết định điều chỉnh giảm giá khởi điểm để bán thỏa thuận đối với số lượng cổ phần không bán hết.
Mức giá được giảm tối đa như sau: Không quá 10% giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá không có nhà đầu tư hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia; Không quá 10% giá đấu thành công thấp nhất đối với trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán. Trường hợp các nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc toàn bộ thì mức giảm giá không quá 10% giá đấu thấp nhất để chuyển sang bán thỏa thuận và các nhà đầu tư bỏ cọc không được tham gia mua thỏa thuận.
Trong trường hợp bán thỏa thuận có 2 nhà đầu tư trở lên tham gia mua thì nhà đầu tư nào trả giá cao hơn sẽ được lựa chọn là nhà đầu tư mua thỏa thuận. Nếu các nhà đầu tư trả mức giá cao nhất bằng nhau thì thực hiện chào bán cạnh tranh theo hình thức bỏ phiếu kín giữa các nhà đầu tư này với giá khởi điểm là mức giá cao nhất bằng nhau để lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao hơn là nhà đầu tư mua thỏa thuận.
Đây là một trong những quy định nhằm đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN được dư luận hết sức quan tâm. Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần hoặc phần vốn Nhà nước. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc chuyển nhượng vốn Nhà nước phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình để hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất.
Theo Baohaiquan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét