Là một bước tiến của nhà quản lý trong việc đa dạng sản phẩm đầu tư cho thị trường nhưng quỹ đầu tư chỉ số ETFs “made in Việt Nam” dường như chỉ là miền đất hứa của các nhà đầu tư tổ chức.
Như một bài viết trước đây đã đề cập, do tập quán “thích tự đầu tư”, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân đối với sản phẩm này rất thấp. Những nhà đầu tư nhỏ cho biết họ chưa tìm hiểu về ETFs nội hoặc có tìm nhưng chưa thực sự hiểu lắm, và dù sao cũng không có ý định mua chứng chỉ quỹ (CCQ). Nhiều nhà đầu tư lớn được xếp vào hàng VIP tìm hiểu chuyên sâu và kỹ càng hơn nhưng người thì khẳng định không mua CCQ do không tin tưởng, người cho rằng cần phải theo dõi hoạt động của các quỹ trong một thời gian xem sao.
Ngay tại buổi Hội thảo “Cơ hội từ ETF cho nhà đầu tư cá nhân” do Công ty chứng khoán VnDirect và Sở giao dịch Hà Nội HNX phối hợp tổ chức vào ngày 30/09, khi chúng tôi hỏi chuyện một số nhà đầu tư đến tham dự hội thảo, cũng vẫn nhận được ý kiến tương tự. Thích tự đầu tư để dễ dàng kiểm soát tài khoản của mình, không tin vào sự “minh bạch” của bất kỳ quỹ nào là những lý do mà nhà đầu tư trung niên tên K. ở Hà Nội nêu ra.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Hoài Giang – Phó Tổng giám đốc của CTCK Hồ Chí Minh lý giải điều này là do nhà đầu tư cá nhân chưa biết nhiều về ETF như ETF là gì, giao dịch như thế nào, hoán đổi danh mục như thế nào, lợi ích là gì? Chính vì thế, việc tuyên truyền quảng bá cho nhà đầu tư và trước hết là cho đội ngũ bán hàng của CTCK phải cố hơn nữa. Ông Giang cho rằng mặc dù “thích tự đầu tư” là tập quán khó bỏ nhưng thời gian sẽ giúp NĐT tìm hiểu, làm quen và sử dụng sản phẩm này. Đây là trào lưu trên thế giới trong việc đầu tư thụ động và có thể tương lai tại Việt Nam, các NĐT sẽ theo trào lưu.
Song nhìn lại, cũng có không ít người (đáng chú ý là người cao tuổi nhiều hơn) rất quan tâm đến việc đầu tư vào quỹ ETF. Tại Hội thảo, các nhà đầu tư đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề hoạt động của ETF, cách thức mua chứng chỉ quỹ, số vốn cần thiết để có thể mua được CCQ trên thị trường sơ cấp… Điều này thể hiện hoạt động của ETF đang dần nhận được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Môi giới tư vấn của CTCK VNDirect nhận xét, sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận và tạo hành lang hỗ trợ sự phát triển của các Quỹ ETF thì loại hình quỹ này sẽ sớm bùng nổ trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng với một thị trường ngày một chuyên nghiệp và khó hơn cho nhà đầu tư cá nhân thì ETF sẽ sớm trở thành lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới với các chuỗi Hội thảo về ETF sẽ giúp nhà đầu tư nâng tầm hiểu biết về các quỹ này và có thêm nhiều kênh đầu tư để lựa chọn.” – ông Nguyễn Trung Du nhận định.
Với loại hình ETF, nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp vào các chứng chỉ quỹ hoặc mua lại các chứng chỉ quỹ này khi được niêm yết trên các Sở giao dịch. Theo ông Du, đối với nhiều nhà đầu tư thì việc lựa chọn các cổ phiếu khi thị trường thuận lợi cũng là một khó khăn lớn. Trong khi đó ETF là một danh mục đa dạng và mô phỏng các chỉ số nên nếu nhà đầu tư nhận thấy các cơ hội của thị trường chung và khó khăn trong việc tự giao dịch thì ETF là một lựa chọn tốt. Mức sinh lợi từ các ETF thường sẽ không quá cao với kỳ vọng lãi nhiều lần của nhà đầu tư nhỏ nhưng lại an toàn và ổn định hơn.
Tuy nhiên, rủi ro khi đầu tư vào các ETF là việc dự đoán sai xu hướng thị trường bởi các ETF cũng chỉ là một hình thức mô phỏng thị trường một cách thụ động, không tránh khỏi thiệt hại khi TTCK suy giảm. Song, nhà đầu tư có thể hạn chế các rủi ro bằng cách đặt các mức cắt lỗ để thu tiền về khi thấy thị trường không thuận lợi.
ETF là một sản phẩm hiện đại đã quen thuộc trên thị trường tài chính quốc tế nhưng tại Việt Nam thì thực sự mới mẻ. Quả thực như lời ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Dịch vụ chứng khoán của VNDirect nói: “Với quy mô lớn, ETF là một sản phẩm đem lại sự công bằng cho nhà đầu tư cá nhân trong cuộc đua với nhà đầu tư tổ chức”. Thiết nghĩ thời gian là điều cần thiết cho sự phát triển của một sản phẩm và nhà đầu tư không nên bỏ qua việc tìm hiểu bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường.
Bảo Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét