Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn con số tuyệt đối rất lớn tại thời điểm 9/2012 có lẽ cũng để nhấn mạnh kết quả đã xử lý được. Đó là trong 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu so với con số nợ xấu vào tháng 9/2012, mức độ đã xử lý được khá cao, đạt 53,6%.
Cũng trong 3 năm qua, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn, trung bình mỗi năm trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. “Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã phần lớn không chia cổ tức và dành luôn nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ, để nâng cao thêm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc cho biết, cũng như thực tế mất hút cổ tức tại nhiều ngân hàng lớn nhỏ những năm gần đây.
Như trên, trong 3 năm đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu, chuyển qua công ty VAMC là khoảng 86.000 tỷ đồng, thì số còn lại chủ yếu sẽ được tiếp tục xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng mà họ đã trích lập đã được 78.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ dồn đến cuối năm nay tiếp tục xử lý một lần nữa.
Ngoài mức độ xử lý trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khá lạc quan về tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu, khi có giá trị cao gấp 2 lần so với giá trị các khoản nợ xấu.
“Điều đó thể hiện rằng về mặt giá trị tài sản cũng như về mặt khả năng của các tổ chức tín dụng đã hết sức tích cực trong thời gian vừa qua”, ông Bình nói.
Dù việc xử lý được tư lệnh ngành ngân hàng cho là tích cực như vậy, nhưng nợ xấu vẫn cứ tăng những tháng đầu năm nay. Như báo cáo đã gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc Bình một lần nữa lý giải cho xu hướng.
Theo ông, thường thì các tổ chức tín dụng sẽ tập trung xử lý nợ xấu vào dịp cuối năm, khi họ hạch toán thu chi của cả năm biết được lợi nhuận, lỗ lãi, phần trích lập dự phòng rủi ro và khi đó họ tiến hành xử lý nợ xấu. Do vậy nợ xấu thường giảm mạnh vào ngày 31/12 hàng năm khi các ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.
Trong năm do các khoản nợ trước đây đến hạn chưa trả được thì nợ lại tích tụ những khoản nợ xấu và tăng dần lên trong năm. Đặc biệt là tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng Thông tư 02 và Thông tư số 09, hai văn bản quy phạm pháp luật nâng tầm hoạt động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách chặt chẽ hơn, phù hợp hơn so với các thông lệ quốc tế. Vì quy định chặt hơn nên nợ xấu theo các quy định mới cũng gia tăng hơn.
Nhưng với tốc độ xử lý như hiện nay, với quyết tâm của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dự tính nợ xấu đến cuối năm theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở mức khoảng trên 3%; theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm được về xung quanh mức 6%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét