“Kiếm lời nhanh thì rủi ro cũng tăng nhanh hơn”
Đó là lời chia sẻ của ông Vũ Hồng Sơn – Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Đại Dương (OCS) trong Hội nghị Nhà đầu tư 2014 mà OCS tổ chức với tên gọi “Thị trường chứng khoán 2014 – Tiềm năng và điểm sáng cơ hội”.
Chính vì “rủi ro tăng nhanh” nên nhà đầu tư cần nghỉ ngơi một chút và nhìn lại để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung.
Thế giới này không phẳng
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định về vĩ mô như vậy khi có những yếu tố tích cực như lạm phát giảm mạnh, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, thanh khoản ngân hàng dồi dào… Nhưng vẫn còn đó những khó khăn về ngân sách và nợ công và đặc biệt là sự tắc nghẽn trong giải quyết nợ xấu.
Theo chuyên gia, đặc trưng của vĩ mô trong 2 năm tới là “không biết đường nào mà lần”. Hiện nay, các quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với nhiều rủi ro. Có thể kể đến là rủi ro đảo chiều dòng vốn khi dòng vốn nước ngoài ào ạt đổ vào rồi nhanh chóng bị rút đi. Tuy nhiên, tại Việt Nam rủi ro này rất nhỏ do … làm ăn kém.
“Không vào thì ra ít” – chuyên gia nói.
Một rủi ro khác là đứt khúc chuỗi sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp nhanh chóng “ra đi”. HĐQT của DN là ai? Kết nối chuỗi giá trị với DN nào? Đó là những điều phải nhìn khi đánh giá rủi ro đứt khúc, nhưng ở Việt Nam rủi ro này được đánh giá chỉ ở mức trung bình.
Rủi ro địa chính trị thì thấy rõ. Những bất ổn trên thế giới hiện đang đe dọa mọi quốc gia.
“Thế giới này không phải là phẳng. Nếu ai tin thế giới này phẳng, người đó quá ngây thơ. Nhưng gồ ghề có nghĩa là có DN tốt, có DN xấu và thị trường chứng khoán cũng là thị trường đầu cơ. Có những lợi nhuận là bất thường chứ không phải do hoạt động kinh doanh cốt lõi.” – ông Thành nhận định.
Trong một thế giới đầy bất định như ngày nay thì trong rủi ro luôn có cơ hội. Tuy nhiên Chuyên gia cho rằng vấn đề của Việt Nam là Chính phủ quá tham vọng trong khi nguồn lực còn hạn chế, lợi ích nhóm vẫn tồn tại… Vì vậy, tóm lại là “rất khó”.
Giảm lãi suất có còn tạo hiệu ứng cho TTCK nửa cuối năm 2014 và năm 2015?
Do lệ thuộc lớn vào ngân hàng, việc thay đổi lãi suất có tác động rất lớn ở Việt Nam cả góc độ tâm lý và phản ánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014, đã có rất nhiều DN tăng trưởng lợi nhuận ròng nhờ giảm lãi suất. Và TTCK cũng đã phản ứng rất mạnh với chính sách lãi suất trong nhiều năm qua theo chiều hướng ngược nhau.
Số liệu của Stoxpro cho biết, hơn 1000 doanh nghiệp đại chúng hiện nay đang vay khoảng 15 tỷ USD (chiếm 17% tổng cho vay khối doanh nghiệp của 39 NHTM trong nước). Trong đó tỷ lệ vay/tổng tài sản lớn nhất thuộc về ngành bán lẻ (49,8%), tài nguyên cơ bản (43,7%), Xây dựng vật liệu (35,1%) và bất động sản (32,2%).
Stoxplus nhận định, chỉ có những doanh nghiệp vay lớn mới có thể tiếp tục hưởng lợi lớn từ chính sách này. Theo đó, bất động sản, xây dựng và vật liệu, thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản sẽ được hưởng lợi.
Nhưng tất nhiên DN phải có dòng tiền để trả nợ. Nếu không, chỉ là hiệu ứng tâm lý tạo “sóng” chứng khoán vì đó chính là nguồn cung cho nợ xấu ngân hàng.
Theo thống kê, top 10 DN dự kiến hưởng lợi từ lãi vay giảm bao gồm: PVX, VCG, HT1, OGC, HAG, MPC, PVD, PVS, TIS và NT2. Tuy nhiên, nhiều DN trong số này không có tiền trả lãi và gốc vay như PVX, MPC, PVD, TIS do không phát sinh dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014
Trong Top 10 DN có thể hưởng lợi lớn từ chính sách giảm lãi suất (trong trường hợp NH tiếp tục cho vay), đứng đầu là các DN xi măng như HT1, BTS, BCC. Xếp sau đó là KBC, NT2, VCG, CII, PVT, POM và TIS.
Như vậy, lãi suất giảm tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một câu hỏi rất thú vị do Tiến sĩ Võ Trí Thành đặt ra là “nếu lãi suất đi ngang thì TTCK sẽ như thế nào?” Và đây mới là khả năng cao nhất…
Bảo Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét