Nhìn về tương lai, khi áp lực thực hiện các tiêu chuẩn của Basel II ngày càng tăng. Các NH Việt Nam phải chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh cả về chất và lượng để đáp ứng với nhiều tiêu chí khắt khe về chỉ số an toàn hoạt động. Dựa trên những chuẩn mực đó, nếu các NH Việt Nam không tăng sức đề kháng của mình thông qua bổ sung vốn điều lệ thì chắc chắn không ít NH sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi trên thị trường.
Cùng với sự vận động ngày càng nhanh, quyết liệt và phức tạp của nền kinh tế thế giới và trong nước, các NH Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của NH là phải nâng cao tiềm lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ.
Việc bổ sung thêm một lượng tiền sẽ giúp cấu trúc tài chính của NH mạnh lên. Đối với các NH lớn, tăng vốn là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn với những NH quy mô khiêm tốn thì yêu cầu tăng thêm vốn điều lệ giúp họ tăng năng lực tài chính và phần nào tránh được việc phải sáp nhập với NH khác do quá nhỏ, đặc biệt những NH đang thuộc diện tái cơ cấu thì yêu cầu trên lại càng trở nên bức thiết.
Không nói thì ai cũng biết thị trường càng nhiều biến động thì độ rủi ro càng lớn, nhất là đối với những người làm nghề “kinh doanh tiền” như NH. Nếu cơ thể yếu mà buộc phải “ra gió” thì sẽ càng nguy hiểm. Chính vì thế không chỉ những NH nhỏ mà ngay cả những NH lớn đã và đang lên kế hoạch tăng tiếp vốn điều lệ. Tăng vốn điều lệ là giải pháp hữu hiệu về mặt tài chính lẫn thủ pháp kinh doanh, vừa giúp các NH xử lý vấn đề rủi ro trong kinh doanh tốt hơn, vừa tạo điều kiện NH mở rộng quy mô hoạt động tăng sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ trong bối cảnh hiện nay có đơn giản? Chắc chắn là không. Hiện tại, hình thức tăng vốn điều lệ của các NH chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Nhưng hoạt động này đang gặp khó vì giá cổ phiếu vẫn đang trong xu thế giảm, thậm chí với kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các NH 6 tháng đầu năm nay khiến cổ phiếu NH càng mất giá. Do đó, phương án phát hành CP để huy động vốn xem ra không nhiều triển vọng. Còn một nguồn tài chính hỗ trợ cho việc tăng vốn điều lệ là từ nguồn thặng dư cũng không có nhiều do tình hình hoạt động kinh doanh của NH trong thời gian qua khá chật vật.
Dẫu vậy, các NH lớn, nhỏ vẫn đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ của mình. Như Sacombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 13.483 tỷ đồng vào cuối 2014. SCB cũng muốn bổ sung vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng trước tháng 11/2014…
Ở vị trí người trong cuộc, lãnh đạo một NHTMCP nhỏ đang trong diện tái cơ cấu chia sẻ: đúng là trong giai đoạn này, hoạt động NH đang không thuận lợi, nên có thể, cổ đông bỏ thêm 1 đồng vốn đầu tư cho lĩnh vực NH lợi nhuận sẽ không bằng so với các lĩnh vực khác. Nhưng, nhìn về lâu dài, NH vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của các NĐT trong và ngoài nước.
Tất nhiên, việc mời gọi cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần không phải NH nào cũng thực hiện thuận lợi. Có một số NH đã không thể thuyết phục được cổ đông bỏ vốn đầu tư thêm khiến cho việc tăng vốn điều lệ của NH gặp khó khăn. Ví dụ như DongABank, Eximbank…
Vậy làm sao để thuyết phục được các cổ đông, vị lãnh đạo NH trên tự tin nói: trước hết chúng tôi phải khẳng định với cổ đông hiện hữu rằng, muốn tái cơ cấu nhanh và đảm bảo tính hiệu quả, từ đó mang lại giá trị gia tăng cho khoản đầu tư của họ tại NH thì bắt buộc phải bổ sung vốn. Vì nếu không có tiền, hoạt động kinh doanh chỉ bó hẹp trong quy mô nhỏ, NH không thể mở rộng kinh doanh, tăng cường khả năng chống đỡ rủi ro từ bên ngoài thì khó có thể tồn tại, chưa nói đến chuyện phát triển. Khi cổ đông thấy tăng vốn điều lệ là vấn đề sống còn của NH và cũng liên quan đến lợi ích thiết thực của chính mình thì họ sẽ quyết định có nên bỏ tiền hay không.
Tất nhiên ở chiều ngược lại, NH cũng cần cam kết có sức thuyết phục cổ đông rằng sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu, kinh doanh hiệu quả hơn để có cổ tức bù đắp cho khoản đầu tư dài hạn của họ vào NH, đảm bảo được quyền lợi tối đa cho các cổ đông. Đồng thời, NH cũng phải cố gắng khai thác, sử dụng vốn hiệu quả hơn, tạo ra giá trị nội tại lớn mạnh hơn bên cạnh chính sách cổ tức tốt. Bởi khi đã tạo vị thế tốt thì, sau này, nếu NH đó có bán cổ phần cho NĐT nước ngoài thì giá trị của CP sẽ được gia tăng thêm nhiều hơn.
Nhìn về tương lai, khi áp lực thực hiện các tiêu chuẩn của Basel II ngày càng tăng. Các NH Việt Nam phải chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh cả về chất và lượng để đáp ứng với nhiều tiêu chí khắt khe về chỉ số an toàn hoạt động. Dựa trên những chuẩn mực đó, nếu các NH Việt Nam không tăng sức đề kháng của mình thông qua bổ sung vốn điều lệ thì chắc chắn không ít NH sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi trên thị trường.
Hà Thành
Theo Thoibaonganhang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét