Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi tới gần 1000 đồng/lít xăng do giá xăng dầu thế giới giảm, lại được sử dụng quỹ bình ổn. Vậy vì sao các doanh nghiệp này vẫn chưa giảm giá bán lẻ cho người dân?
Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi 1000 đồng/lít xăng
Mới đây, ngày 7/8, liên bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu; đồng thời giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng xuống còn 300 đồng/lít. Thực hiện quyết định này, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã điều chỉnh giảm 500 đồng/lít đối với mặt hàng xăng kể từ 16 giờ ngày 7/8.
Tuy nhiên, những ngày sau đó giá xăng thế giới giảm liên tục đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục lãi lớn với mặt hàng xăng. Cụ thể, theo số liệu trên trang web của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá cơ sở theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của mặt hàng xăng ngày 14/8 chỉ là 24.473 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ hiện hành 337 đồng/lít.
Tuy nhiên, trong giá cơ sở theo Nghị định 84 đã bao gồm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn đang được sử dụng quỹ bình ổn giá là 300 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Có nghĩa, hiện các doanh nghiệp đang thực lãi tới 937 đồng/lít xăng.
Như vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đủ cơ sở để tính toán giảm giá xăng dầu cho người tiêu dùng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vì sao chưa giảm giá bán lẻ?
Theo báo VietQ, nhận định về việc giảm giá xăng dầu ở mức thấp, trên báo giới mới đây, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), việc minh bạch giá xăng dầu trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.
Theo ông Ruệ, giá xăng dầu bán lẻ được cấu thành từ 11 yếu tố tạo nên “giá cơ sở”, trên nền tảng “giá cơ sở” này sẽ đưa ra mức giá bán lẻ. Tuy nhiên, trong 11 yếu tố trên có 2 yếu tố biến động nhất là giá xăng dầu thế giới và thuế nhập khẩu. Còn các yếu tố thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức… đều cố định. Như vậy, giá xăng dầu ổn định hay không là phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới và tần số, biên độ điều chỉnh thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính.
Về việc người tiêu dùng cho rằng giá xăng dầu lên thì lên rất nhanh còn xuống lại “nhỏ giọt”, không theo lộ trình của giá xăng dầu thế giới, ông Ruệ cho biết, theo quy định hiện hành phải theo dõi lấy giá bình quân trong 30 ngày để căn cứ tính “giá cơ sở” rồi mới bắt đầu điều chỉnh giá bán lẻ. Tuy nhiên, 30 ngày trong tình hình hiện nay là quá dài vì giá xăng dầu thế giới hiện nay chịu tác động của nhiều bất ổn như: Tình hình Ukraine, Iraq, tình hình Trung Đông và chính sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Vì vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều lúc các cơ quan quản lý đang định điều chỉnh giá lên thì xăng dầu thế giới lại xuống và ngược lại, khi đang định điều chỉnh xuống thì giá thế giới lại lên.
Ngoài ra, ông Ruệ cũng cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) không phải “thuốc tiên” mà chỉ có tác dụng trích ra để hỗ trợ trong một thời điểm nhất định, không thể kéo dài được. Theo ông Ruệ: “Nếu như giá xăng dầu thế giới cứ tăng trong 2 tuần liên tiếp thì Quỹ này sẽ âm ngay. Thực tế, chúng ta đã từng bị âm Quỹ BOG rồi, nhiều DN kinh doanh xăng dầu còn phải vay tiền ngân hàng để làm quỹ bình ổn”.
Người Đưa Tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét