Cái phao trần lãi suất
Bốn năm về trước, cơ chế trần lãi suất ra đời. Ban đầu là sự thỏa thuận giữa các thành viên qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sau rồi được luật hóa.
Cuối 2010, trước tình trạng lãi suất chìm trong bất ổn, trần lãi suất trở thành cái phao để kiểm soát rủi ro. Ngay từ đầu, cơ chế này đã gặp nhiều phản ứng trong dư luận, với quan điểm hãy để lãi suất tự bơi và thị trường tự điều chỉnh.
Những phản ứng đó chuyển tiếp sang năm 2011. Ngay khi tiếp nhận vị trí đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, tháng 8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã gợi mở sẽ từng bước gỡ bỏ trần lãi suất. Và phải mất gần hai năm sau, những bước đi đầu tiên mới nhích dần.
Đó là những bước đi trên băng mỏng. Một sự thiếu thận trọng đều có thể khiến lãi suất lại chìm vào bất ổn, bởi thanh khoản hệ thống dù được củng cố nhưng chưa bền vững. Đó cũng là lý do vì sao cái phao trần lãi suất vẫn phải khoác. Nhưng đã có thay đổi.
Từ áp trần dẫn tới lãi suất kẻ thẳng trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại mà không phân biệt kỳ hạn ngắn – dài, Ngân hàng Nhà nước từng bước gỡ bỏ: áp từ kỳ hạn 12 tháng trở xuống, thả nổi tiền gửi dài, rồi tiến tới chỉ còn áp các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đường cong lãi suất dần được “uốn” lại.
Từ cái áo phao, Ngân hàng Nhà nước từng bước cởi bỏ rồi buộc hờ cái phao tay. Lãi suất vẫn được kiểm soát bằng cơ chế trần để tránh ngập xuống bất ổn, nhưng rồi dần dần nó tự bơi được.
Ngày 25/8, lần thứ hai kể từ đầu năm lãi suất huy động VND cho thấy khả năng đó. Hai “ông lớn” quốc doanh chiếm thị phần huy động trên dưới 20% toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống khá sâu dưới mức trần. Ngay ngày hôm sau (26/8), một số ngân hàng cổ phần lớn cũng bắt theo tín hiệu. Và đến nay đã có rất nhiều ngân hàng thương mại không còn bám vào cái phao lãi suất tối đa 6%/năm nữa, mà tự đẩy mình ra xa. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 hiện phổ biến chỉ 4,5% - 5,8%/năm.
Dĩ nhiên, như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng lý giải, cái phao trần lãi suất vẫn chưa thể gỡ hẳn, vẫn phải buộc hờ. Vẫn còn những trường hợp chưa thể tự bơi, gỡ có thể lại gây rủi ro, gây xáo trộn lãi suất.
Biết bơi hay do không bị chìm?
Ở biển Chết (nằm trên biên giới giữa Israel và Jordan), ai cũng có thể nổi, dù biết bơi hay không. Do hàm lượng muối rất cao khiến tỷ trọng nước biển lớn hơn tỷ trọng mỗi người, nổi là đặc tính tự nhiên.
Liệu lãi suất đang dần tự bơi như hiện nay là kết quả của điều hành, hay do chênh lệch tỷ trọng giữa các nguồn vốn, khi mà “hàm lượng muối” trong sức cầu nền kinh tế ở mức cao?
Đều đặn những năm gần đây, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng liên tục đạt từ 16% - 17%, trong khi tín dụng chỉ từ khoảng 11% - 12%; riêng 7 tháng đầu năm nay huy động tăng 6,98% trong khi tín dụng chỉ tăng 3,68%. Sự lệch nhịp giữa hai tốc độ này dẫn tới tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) từng nóng bỏng trên 100% hạ xuống nhanh, hiện chỉ còn khoảng 82% toàn hệ thống.
Hay nói một cách chung chung và đại chúng, hệ thống ngân hàng dư thừa vốn kéo dài từ diễn biến trên. Đúng hơn, do “hàm lượng muối” trong sức cầu nền kinh tế còn cao, tín dụng không thể bốc như nhiều năm trước nữa. Vốn thừa, khó đẩy mạnh cho vay, lãi suất đương nhiên giảm, hay như cách nói hình ảnh trên là tự bơi được.
Về vĩ mô, lạm phát liên tục ở mức thấp những năm gần đây cũng là cơ sở để có được mặt bằng lãi suất như hiện nay, hay góp phần tạo nên khả năng tự bơi của nó.
Gộp lại, có vẻ như thực tế trên tạo nên “đặc tính tự nhiên” khiến lãi suất không bị chìm vào bất ổn như trước. Các con sóng lạm phát, căng thẳng thanh khoản không còn dập dềnh và dữ dằn như trước để xô đẩy lãi suất, dù có khoác phao cơ chế trần.
Nhưng thực tế trên không tự nhiên mà có, như lãi suất không tự nhiên mà biết bơi.
Liên tục những năm qua mục tiêu hàng đầu của chính sách vĩ mô là kiềm chế lạm phát, trong đó chính sách tiền tệ là công cụ chính. Đến nay, dù phân tích các nguyên nhân vẫn là chủ đề hấp dẫn, song thành công trong kiềm chế lạm phát đã được thừa nhận.
Cùng với đó là thanh khoản và trật tự hệ thống ngân hàng đã được thiết lập. Ở đây, chủ trương tái cơ cấu mà Trung ương Đảng đưa ra cuối năm 2011 là kịp thời. Ngân hàng Nhà nước lập tức có được “thượng phương bảo kiếm” để khoanh vùng các ngân hàng yếu kém - nơi từng có những mũi khoan nhức nhối về lãi suất do khó khăn thanh khoản. Khoanh vùng được để kiểm soát, xử lý sau. Ở đây, chính cơ chế trần lãi suất cũng góp công để khoanh vùng nhanh hơn.
Rồi hoạt động ngân hàng bước vào kỳ tín dụng tăng trưởng thấp (trong đó nổi bật là do sức cầu của nền kinh tế). Đây lại là yếu tố “may mắn” để các cỗ máy bơm tiền hạ nhiệt, các cân đối vốn và thanh khoản dễ chịu hơn, lãi suất có thêm điều kiện để bình ổn rồi dần tự bơi sau này.
Quá trình cởi bớt phao và tự bơi của lãi suất trở nên thuận lợi hơn nữa khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt bỏ đáng kể sức lôi kéo của vàng và “đô”, đặc biệt là từ vàng. Nguồn vốn của hệ thống đã bớt bị chia sẻ bởi nguồn tiền rút ra rồi chôn vào vàng trong dân cư - điểm nổi bật trong hai năm nay. Cùng đó, lượng ngoại tệ chuyển đổi sang VND cũng đột biến ở dự trữ ngoại hối quốc gia. Tác động rõ nét trong mức tăng khá cao của tổng phương tiện thanh toán theo đó (từ 16% - 17%) là do cung tiền mua ngoại tệ.
Bớt cầm vàng, bớt cầm “đô”, tiền đồng được gửi vào ngân hàng nhiều hơn, hỗ trợ cho quá trình tập để tự bơi của lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn nói VND hấp dẫn, nhưng ở khía cạnh nào đó, khi vàng và “đô” mất sức hút, việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều người cầm tiền nhưng không biết làm gì và gửi ngân hàng cũng là một cách nói khác.
Tất cả những yếu tố đó, xoay quanh trục điều hành chính sách tiền tệ, tạo nên một “biển Chết” cho lãi suất. Nhưng, ở đây, không có đặc tính tự nhiên, tự có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét