Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (mã: PVX) muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ "gánh nặng" tài chính khi liên tục bị thua lỗ lớn, vượt cả vốn điều lệ. Nhiều dấu hỏi lớn về tình hình tài chính đang "có vấn đề" của PVX vẫn chưa được sáng tỏ?
Từ năm 2011 cho đến nay, kết quả kinh doanh của tổng công ty này ngày càng xấu đi, báo lỗ tổng cộng hàng nghìn tỷ đồng. Trước đó, PVX đã may mắn thoát khỏi án bị hủy niêm yết sau khi kiểm toán lại BCTC năm 2011, DN "bỗng dưng" từ lỗ chuyển thành… có lãi (!?) Nếu năm 2014 lại thua lỗ (năm 2012 - 2013 lỗ lần lượt 1.823 tỷ đồng và 3.200 tỷ đồng) thì cổ phiếu PVX sẽ không tránh khỏi việc bị hủy niêm yết.
Lỗ vì... khách quan
Theo BCTC quý II/2014 vừa công bố, PVX đã bị lỗ sau thuế 182 tỷ đồng trong quý II, nâng số lỗ lũy kế 6 tháng qua lên tới 375 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán thể hiện khoản lợi nhuận chưa phân phối trong trạng thái âm tới 3.292 tỷ đồng, tức là tăng lỗ thêm 217 tỷ đồng so với đầu năm 2014.
Thua lỗ liên miên khiến cho vốn chủ sở hữu của PVX hiện chỉ còn 868 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đầu tư là 4.000 tỷ đồng. Có nghĩa, vốn của DN đã bị mất tới… 78,3% chỉ trong vòng 2 năm rưỡi.
Một số chỉ tiêu tài chính đã có cải thiện đáng kể, cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II đạt 1.851 tỷ đồng, lũy kế đạt 3.236 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận gộp đạt 93,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ hơn 468 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản chi phí lớn của PVX như chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý… đã giảm bớt. Tính đến hết ngày 30/6, PVX có tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.483 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Vay nợ lớn khiến PVX phải chịu gánh nặng chi phí tài chính, trả nợ đến hạn. Riêng trong 6 tháng qua, DN này đã phải tăng chi tới 1.219 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Thực ra, kết quả thua lỗ này không gây bất ngờ, vì trước đó, HĐQT công ty đã dự kiến mức lỗ 6 tháng năm 2014 là khoảng 300 - 400 tỷ đồng và căn cứ vào đây, đã vạch ra 2 kịch bản không mấy sáng sủa cho PVX.
Phương án 1 là năm 2014, PVX tiếp tục lỗ 1.000 đồng, hết cả vốn chủ sở hữu. Phương án 2 là Tập đoàn PVN "gánh" nợ cho PVX thông qua tái cơ cấu các khoản nợ, phân bổ trích lập dự phòng cho các năm sau, nhờ đó, PVX chỉ lỗ lũy kế 3.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 400 tỷ đồng.
Hiện, chưa rõ phương án "giải cứu" PVX trước tình cảnh bị lỗ âm cả vốn như vậy. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2014, lãnh đạo của PVX cũng nói thẳng với cổ đông rằng nếu không có "cơ chế đặc thù" để tìm việc làm thì năm 2014, DN cầm chắc lỗ.
Một cổ đông đã đưa ra nghi vấn và yêu cầu phải làm rõ các số liệu tài chính không chính xác, PVX có nguy cơ phá sản, cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc sử dụng vốn sai tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, lấy lại vốn bị thất thoát.
Để xoa dịu căng thẳng, đại diện Tập đoàn PVN, cổ đông lớn PVX, đã phải lên tiếng xin lỗi cổ đông và cho biết đang họp bàn, xử lý những "lình xình" liên quan đến dự án này. Còn chuyện thua lỗ được lý giải là do nhiều yếu tố khách quan, cùng sự yếu kém trong quản trị điều hành đã tích tụ từ lâu, chưa khắc phục được.
Danh mục đầu tư cổ phiếu "khủng"
Theo BCTC, PVX hiện có vốn đầu tư tại 40 công ty con, công ty liên kết hoặc đầu tư, góp vốn dài hạn… Đa phần là DN trong lĩnh vực xây lắp dầu khí, đầu tư hạ tầng, sản xuất kim loại, thiết bị máy dầu khí. Do thế, PVX cũng đang "mắc kẹt" vì chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại công ty mẹ và hàng chục đơn vị này lên tới 2.907 tỷ đồng, làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Cụ thể, PVX hiện nắm quyền chi phối tại 14 công ty với tổng khối lượng cổ phiếu hơn 201 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.062 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DN này cũng đầu tư vào 26 công ty liên kết (giá trị hơn 504 tỷ đồng) và 488 tỷ đồng đầu tư dài hạn vào hàng chục công ty lớn nhỏ về lĩnh vực xây dựng bất động sản, xi măng, bê tông…
Hoạt động đầu tư tài chính đem lại cho PVX doanh thu vỏn vẹn 60 tỷ đồng, thế nhưng, lại phải tăng trích dự phòng giảm giá gấp đôi lên 448 tỷ đồng. Trước tình hình nhiều khoản đầu tư, góp vốn không hiệu quả, PVX đã phải thực hiện chuyển nhượng, rút vốn tại nhiều công ty. Song, thực tế bán cổ phần của các DN này không mấy thuận lợi.
Mặc dù kết quả kinh doanh bết bát, nhưng cổ phiếu PVX thời gian qua đã gây "sóng gió" trên sàn chứng khoán với lượng giao dịch khủng, khiến NĐT hoài nghi, bất an. Bởi, cổ phiếu của DN thua lỗ vẫn hút dòng tiền rất lớn, khiến giá cổ phiếu luôn được kìm giữ ở một mức nhất định được cho là điều không bình thường và "có chủ đích".
Chốt phiên giao dịch ngày 15/8, giá cổ phiếu PVX tăng trần ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt kỷ lục 24,3 triệu đơn vị. Đã có tới hàng chục phiên trước đó, giá PVX không có thay đổi, chỉ trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch duy trì từ 3,5 - 10 triệu đơn vị/phiên.
Mức giá này khá cao so với hồi đầu năm, chỉ có hơn 3.800 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 2/2014, giá cứ "đều đều" đi lên sau khi xuất hiện khối lượng giao dịch "khủng" hơn 20 triệu đơn vị/phiên, bất chấp DN thua lỗ nặng.
Nếu lỗ đúng như dự đoán, thì NĐT, cổ đông sẽ bị thiệt hại nặng, khi cổ phiếu PVX phải rời sàn trong ê chề.
Theo TBKD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét