Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Durão Barroso đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-26/8/2014. Sau lễ đón chính thức trọng thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Phạm Sanh Châu; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Về phía EU có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen, một số cán bộ cao cấp của Ủy ban châu Âu và Phái đoàn EU tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi bên, cùng trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trong các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư… Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch EC cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông, Cấp cao Á - Âu...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch EC trong bối cảnh hai bên đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên (1990-2015). Thủ tướng cảm ơn EC và các nước thành viên EU đã hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, duy trì viện trợ cho Việt Nam giai đoạn sau 2014 và đề xuất một số biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - EU như EU sớm phê chuẩn PCA, linh hoạt và tính đến chênh lệch trình độ phát triển của Việt Nam với các nước thành viên EU trong đàm phán EVFTA, công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ khi ký kết EVFTA.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đóng góp của EU vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia hợp tác Mê-Công - Đa-nuýp trong khuôn khổ ASEM và khẳng định với tư cách là nước Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu rộng hơn của EU vào cơ chế khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Chủ tịch Manuel Barroso bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách về kinh tế, tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp các nước thành viên EU. Chủ tịch Manuel Barroso tỏ hài lòng trước những phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển; bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN- EU; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau; nỗ lực phấn đấu để kết thúc đàm phán EVFTA vào trước tháng 10/2014; tăng cường hợp tác chuyên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực EU có thế mạnh như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - du lịch, thông tin - truyền thông, giao thông và xây dựng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Manuel Barroso nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Chủ tịch EC khẳng định lại lập trường của Liên minh châu Âu, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; kêu gọi các bên liên quan tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Kết thúc hội đàm, hai bên đã họp báo và ra Tuyên bố báo chí chung về chuyến thăm.
TTXVN/ Tin Tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét